Thị trường

Thủ tướng: Tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh ở Bộ Công Thương

(DNVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác cán bộ tại Bộ Công Thương còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt và gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành, chính vì vậy cần tái cơ cấu ngay.

Đây là những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành công thương, ngày 12/7.

Tại hội nghị, mắc dù không trực tiếp nhắc tới những vụ lùm xùm trong bổ nhiệm nhân sự ngành công thương thời gian qua nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đánh giá công tác cán bộ tại cơ quan này còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt và gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành.

Thủ tướng cho rằng, Bộ Công thương có đến 30 vụ, cục, khoảng 10 viện trực thuộc chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 Tập đoàn Tổng công ty, hàng vạn người. Do đó phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng đề nghị Bộ cần nghiên cứu tái cơ cấu ngay bộ máy của mình. Chỉ tên từng Thứ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thứ trưởng phải tái cơ cấu ngay bộ phận mình phụ trách.

“Người thì đông, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của Bộ Công Thương cũng cần tái cơ cấu triệt để, công khai. Người nào việc nấy mới có hiệu quả, xác thực”, Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nhắc lại định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; cho rằng phải đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường, “nếu cứ làm theo tư duy kế hoạch hóa thì sẽ thất bại”.

Ngành công thương phải có tư duy mới, thiết kế chính sách khuyến khích ưu đãi vừa phù hợp với cơ chế thị trường, vừa tạo động lực mạnh mẽ cho chủ thể của nền kinh tế phát triển theo mục tiêu Nhà nước đề ra; hạn chế, tiến tới chấm dứt cơ chế xin- cho, không bao cấp, chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm. 

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh, tận dụng hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Tất cả các ngành hàng, tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào sản xuất, coi đó là giải pháp quan trọng trong cho tăng trưởng và có phương án xử lý hiệu quả các dự án trì trệ, thua lỗ kéo dài.

 

Thủ tướng khẳng định bên cạnh phát triển kinh tế, phải kiên quyết bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội, môi trường cạnh tranh, đặc biệt là môi trường sống của người dân. “Không thể phát triển với bất cứ giá nào, bài học Formosa để lại cho chúng ta nhiều vấn đề đáng suy ngẫm", Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân nếu để xảy ra thảm họa môi trường.

Với các doanh nghiệp thuộc ngành công thương, Thủ tướng mong muốn phải đi bằng đôi chân của mình để ra biển lớn- môi trường cạnh tranh quốc tế.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo