Đó là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chỉ thị về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2014 do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành.
Chỉ thị nêu rõ, để giải quyết các khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014, chủ động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền Biển Đông trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan phải tập trung vào những giải pháp quan trọng sau.
Trước hết là điều hành đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, dự báo những khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và thu, chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới, chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh.
"Trên cơ sở đó, phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2014 khoảng 8-10%", Chỉ thị nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải có giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ họ khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; giảm dần số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Riêng với ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.
Cuối cùng, theo yêu cầu của chỉ thị, Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, giảm mức phạt chậm nộp thuế....
Song song đó, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện quyền và trách nhiệm đối với Nhà nước...
Theo VnExpress