Thủ tướng tiếp xúc cử tri tại TP Hải Phòng
(VOV) Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này, chiều 11/5 tại Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải phòng tiến hành tiếp xúc với đông đảo cử tri thành phố nhằm thông báo những nội dung chính của kỳ họp thứ 5 cũng như lắng nghe và giải đáp nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội.
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã thông báo với cử tri dự kiến chương trình, nội dung chính của kỳ họp thứ 5. Theo dự kiến: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 10 dự án luật quan trọng gắn liền với đời sống dân sinh như: Luật hòa giải cơ sở, Luật đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng...
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội, hoạt động giám sát và các vấn đề quan trọng khác liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...
Các ý kiến phát biểu của cử tri Hải Phòng đánh giá cao những hoạt động tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thời gian qua, cũng như những vấn đề quan trọng mà tại kỳ họp thứ 5 tới Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận. Cử tri cũng đánh giá cao những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư các công trình quan trọng.
Đại diện cho trên 20.000 doanh nghiệp TP Hải Phòng, cử tri Dương Ngọc Tuấn cho biết, nhờ các chính sách tài khóa thiết thực của Chính phủ, đến tháng 4 vừa qua số lượng doanh nghiệp Hải Phòng phải tạm dừng hoạt động đang giảm dần. Tiếp cận nguồn vốn vay không còn là khó khăn lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp mà nổi lên hiện nay là vấn đề xác định giấy chứng nhận sở hữu tài sản trên đất và giải quyết tài sản đảm bảo.
“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết tài sản đảm bảo thủ tục còn quá phức tạp, mất nhiều thời gian với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Thực ra ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, nếu không giải quyết được tài sản đảm bảo thì rất khó giảm tỷ lệ nợ xấu”, cử tri Dương Ngọc Tuấn nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến cử tri Hải Phòng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách bảo lãnh tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; có chính sách kích cầu toàn diện nhằm giải phóng hàng tồn kho, nhất là lĩnh vực thép, vận tải biển và đóng tàu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; quan tâm đầu tư nhiều hơn đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ một số dự án hạ tầng thiết yếu, nhất là dự án cải tạo đường 5 đã xuống cấp nghiêm trọng. Cử tri Hải Phòng cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai (sửa đổi)…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đối với sự phát triển của thành phố Hải Phòng nói riêng và của cả nước nói chung.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos