Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng trả lời báo chí quốc tế về căng thẳng trên Biển Đông

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế liên quan những căng thẳng trên Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về thách thức an ninh ở châu Á trước hàng trăm học giả ở Berlin - Ảnh: Vietnam+

Trả lời phỏng vấn các báo Làn sóng Đức của Đức và Le Monde của Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình; đồng thời luôn chân thành bày tỏ thiện chí cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược - bền vững lâu dài trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng Luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.

Về quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam-Trung Quốc mãi là hai nước láng giềng. Việt Nam luôn mong muốn cùng với Trung Quốc làm hết sức mình để có môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đưa quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện với Trung Quốc đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.

Thủ tướng cũng nêu rõ mọi tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thủ tướng cũng cho biết sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận cùng nỗ lực thực hiện tiến trình này.

Liên quan vai trò của Đức và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh của tuyến hàng không và hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Biển Đông là tuyến huyết mạch của hàng hải quốc tế, chiếm một nửa lưu lượng vận chuyển hàng hóa trên biển của thế giới. Do vậy, nguy cơ bất ổn sẽ không chỉ gây thiệt hại cho các nước trong khu vực, mà với cả thế giới.

Thủ tướng nêu rõ EU cũng như Đức và các nước khác trên thế giới phải cùng nhau hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Milan của Italy sẽ thảo luận nhiều vấn đề hợp tác chiến lược giữa hai châu lục và toàn cầu. Trong tiến trình này, hợp tác ASEAN-EU là hạt nhân và động lực của hợp tác giữa hai châu lục.

Việt Nam - với tư cách thành viên tích cực của ASEAN và Đức - với tư cách là thành viên trụ cột của EU, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng góp phần tạo xung lực cho hợp tác ASEAN-EU và quan hệ giữa hai lục địa Á-Âu phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở cả hai châu lục.

Ngày 16/10, một số báo của Đức như DW, Aseantoday... cũng đã đề cập tới bài phát biểu về những thách thức an ninh ở khu vực châu Á được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại một diễn đàn do Viện Körber phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại đây tổ chức ở khách sạn Adlon.

Trong đó, các báo đều nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Liên quan vấn đề này, hãng tin Đức DPA cũng dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi giải quyết hòa bình những căng thẳng trên Biển Đông, khẳng định tự do hàng hải là lợi ích của Đức; đồng thời cho biết EU sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAM ở Milan.

Vietnam+
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo