Thủ tướng: "Việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục"
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng, xuất khẩu và FDI tiếp tục tăng dù kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp (giá nguyên liệu, dầu thô giảm, sự phá giá của đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền trong khu vực...).
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị như gạo, cà phê, chè, v.v... Thu - chi ngân sách nhà nước còn rất khó khăn. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm (giá nông sản, thủy sản, các mặt hàng nguyên liệu thô giảm), nhập khẩu tăng mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và kết quả đạt được là đáng phấn khởi. “2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2015, tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng, cơ cấu tín dụng hợp lý và khả năng huy động vốn. Tiếp tục kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh phát triển sản xuất và năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp; thắt chặt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt. Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; phát triển mạnh hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; chuẩn bị tốt nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngân sách Trung ương hụt 31 nghìn tỷ do... dầu thô
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, cho ý kiến về tình hình thu - chi, cân đối ngân sách năm 2015; tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức...
Cụ thể, về tình hình thu - chi, cân đối ngân sách năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khỏang 31 nghìn tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.
Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương; cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.
Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 từ ngày 6/2/2016 đến hết ngày 14/2/2016 (tức từ ngày 28 tháng chạp năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng giêng năm Bính Thân). Tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần.
Về báo cáo do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày về xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.
Về báo cáo của Bộ Tài chính về tỷ giá ngoại tệ tính thuế trong giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất áp dụng tỷ giá ngoại tệ tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là tỷ giá theo quy định của pháp luật về thuế - Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (hai Nghị định cùng hướng dẫn vấn đề về tỷ giá ngoại tệ để tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu được ban hành và có hiệu lực sau Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Giá heo hơi ngày 14/11/2024: Xu hướng tăng giảm không đồng đều
Giá ngoại tệ ngày 14/11/2024: USD đạt đỉnh cao nhất trong năm, cán mốc 106,51
Giá nông sản ngày 14/11/2024: Cà phê tiếp đà tăng, hồ tiêu giữ giá ổn định