Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ 7 vấn đề
Ngày 6/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ Tài chính về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao và việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không đồng bộ, không hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhắc lại đây là lần thứ hai Tổ công tác kiểm tra Bộ Tài chính. Năm 2018, quyết tâm của Thủ tướng, Chính phủ là tập trung xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, quan tâm việc kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan có giải pháp mạnh để thúc đẩy tăng trưởng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là nhiệm vụ cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của toàn ngành tài chính, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng đã đạt nhiều thành tựu lớn, góp phần vào kết quả chung năm 2017.
Thủ tướng biểu dương, ghi nhận 5 thành tựu nổi bật của ngành.
Thứ nhất, việc bảo đảm thu chi ngân sách năm 2017 khá tốt, thu ngân sách tăng 5,9% so với dự toán, quý I/2018 đạt 23,4% kế hoạch năm. Chi ngân sách được điều hành triệt để tiết kiệm, hiệu quả, căn cơ, kiểm soát chặt chẽ hơn. Quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn theo hướng bền vững, đầu nhiệm kỳ nợ công chiếm trên 64% GDP thì cuối năm 2017 giảm còn 61,4%.
Thành tựu thứ hai là trong tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản, đặc biệt là về hoàn thiện thể chế. Theo đó, trong năm 2017, ngành tài chính và lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt công tác này với 182 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 2 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 44 nghị định, 7 quyết định của Thủ tướng và 131 thông tư.
“Đây là khối lượng công việc rất lớn về hoàn thiện thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là Chính phủ kiến tạo, chủ động hoàn thiện thể chế. Trong 3 tháng đầu năm nay cũng đã có 40 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, gồm 9 luật, 2 nghị định, 29 thông tư, Bộ trở thành bộ có số lượng văn bản hoàn thiện thể chế lớn nhất”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Thứ ba, Bộ đã chú trọng kiểm tra sau thông quan những mặt hàng mang tính phức tạp, những nhóm hàng có kim ngạch lớn nhưng dễ bị gian lận thương mại với những cải cách rất tốt. “Bộ Tài chính là bộ sớm đi đầu trong cải cách thuế, hải quan, kho bạc, ứng dụng công nghệ thông tin. Khi chúng tôi đi kiểm tra tại TPHCM, Hải Phòng thì thấy việc chia sẻ thông tin, đổi mới hải quan, kê khai thuế có tiến bộ rất nhiều so với trước đây, giảm việc tiếp xúc giữa cán bộ và người nộp thuế, người làm thủ tục, từ đó giảm tiêu cực. Bộ cũng đã áp dụng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Thứ tư, Bộ thực hiện nhiều giải pháp bao gồm sửa đổi Luật Chứng khoán, nêu tên công khai các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, công khai các doanh nghiệp nợ đọng thuế, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt. Đồng thời Bộ cũng tiên phong trong xử lý cán bộ có vi phạm, như việc xử lý cán bộ Kho bạc tỉnh Nam Định đi lễ trong giờ hành chính.
Thứ năm, Bộ có tiến bộ rất rõ trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa ASEAN tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian rất đáng kể, được các nước, các tổ chức ghi nhận, đánh giá. Thời gian nộp thuế từ 537 giờ năm 2013 giảm còn 170 giờ. Thời gian giải phóng hàng cũng giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016. Bộ cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 thủ tục hành chính, một bộ đi đầu trong cải cách với số liệu minh chứng cụ thể.
Cũng theo Tổ trưởng Tổ công tác, từ 1/1/2017 đến nay, Bộ Tài chính được giao nhiều nhiệm vụ nhất so với các bộ, cơ quan, địa phương, với 1.567 nhiệm vụ. Bộ báo cáo đã hoàn thành 1.340 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 227 nhiệm vụ, trong đó có 213 nhiệm vụ trong hạn và 14 nhiệm vụ quá hạn (tỉ lệ thấp so với bình quân chung). Trong đó có nhiều nhiệm vụ rất khó, rất phức tạp, liên quan nhiều bộ ngành.
Cùng với biểu dương, khen ngợi những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng giao Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt 7 vấn đề Bộ Tài chính cần làm rõ thêm và có giải pháp triển khai thực hiện.
Thứ nhất, Bộ đã rất quyết liệt, chủ động, nhưng cần chủ động hơn, tích cực tham gia các hội nghị mang tính chất chiến lược tầm quốc gia do Thủ tướng chủ trì. Dự kiến Thủ tướng sẽ chủ trì 13 hội nghị lớn về các quyết sách mang tầm quốc gia, như các hội nghị về phòng chống thiên tai (đã tổ chức), tới đây là các hội nghị về logistics, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, tích tụ đất đai… “Rất muốn ngành chủ động hơn tham mưu cho Thủ tướng trong hoạch định vĩ mô”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Thứ hai, tiếp tục cải cách, đổi mới tinh gọn bộ máy cán bộ. Hiện số lượng biên chế trong ngành rất nhiều, cần cải cách thêm theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, chuyên nghiệp. “Thủ tướng nói là anh em cố gắng xuống cơ sở nhiều hơn để nắm bắt những khó khăn ở cơ sở, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện các chính sách. Ví dụ, hiện chủ trương là không đầu tư công nghệ thông tin mà phải thuê dịch vụ công nghệ thông tin thì cơ chế thế nào để tạo thuận lợi cho các cơ quan”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Thứ ba, thực hiện tốt việc sử dụng, quản lý tài sản công, bảo đảm đúng định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, nhất là trong mua sắm ô tô; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công.
Thứ tư, với vai trò là bộ tổng hợp, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần phối hợp mạnh mẽ hơn, những nội dung mà các bộ, cơ quan, địa phương trao đổi thì chủ động xử lý để công việc nhanh hơn, không để nợ đọng, chậm trễ nhiệm vụ.
Thứ năm, Bộ đã có nhiều giải pháp nhưng cần cố gắng giảm hơn nữa nợ đọng thuế, tính đến 31/12/2017 là 78.000 tỷ đồng, với các giải pháp như giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp với người thực thi công vụ, chống thất thu với hộ kinh doanh cá thể…
Thứ sáu, Hải quan đã cải cách một bước mạnh mẽ, nhưng lưu ý cố gắng quản lý cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, lưu ý văn hóa ứng xử.
Vấn đề cuối cùng là công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp, thoái vốn, các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không chịu lên sàn.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về buổi kiểm tra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024