Thủ tướng yêu cầu phải tập trung kiềm chế lạm phát
(VOV) Hôm qua 26/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 nhằm đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay. Một trong những yêu cầu của Thủ tướng đối với các thành viên Chính phủ là tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo báo cáo tổng hợp và ý kiến tại phiên họp: Tình hình kinh tế, xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu 4 tháng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với gần 40 tỷ USD, còn nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng trở lại…
Nếu như tháng 3 chỉ số giá tiêu dùng giảm thì sang tháng 4 đã tăng trở lại ở mức 2,41%, nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Thách thức hiện hữu nổi lên là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết và dịch bệnh; khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Thu chi ngân sách đạt thấp. Lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản còn chậm. Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm giảm nhưng số người chết lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái…
Đồng tình với nhận định chung của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhìn lại 4 tháng qua tình hình kinh tế, xã hội trên các mặt tiếp tục có chuyển biến và đạt được kết quả tích cực, cả trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn chậm, còn chưa vững chắc và còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các bộ trưởng trước hết phải tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên tinh thần kiên trì mục tiêu phát triển KTXH đặt ra ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, chính sách cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, nhất là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô mà trước hết là phải tập trung kiềm chế lạm phát; điều hành lãi suất theo hướng giảm ở mức hợp lý, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Kiên quyết đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách theo kế hoạch, triệt để tiết kiệm chi tiêu, nhất là hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài… Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và ODA, gắn với cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, đồng thời khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội