Tin tức - Sự kiện

Thừa cân, béo phì tăng nhanh

Kết quả khảo sát 300 trẻ từ 2 tuổi trở lên ở TP.Hồ Chí Minh bị béo phì đến khám tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy 50% số này bị gan nhiễm mỡ

Gia đình anh Lê Văn M. (ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ - TP.Hồ Chí Minh) có 2 con, đứa lớn 8 tuổi chỉ nặng khoảng 14 kg và đứa nhỏ 4 tuổi nặng chưa tới 10 kg. Theo bà Trương Thị Vui, Trưởng Trạm Y tế xã An Thới Đông, trong hơn 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi của xã thì phần lớn là suy dinh dưỡng do đời sống người dân ở đây còn khó khăn, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ rất hạn chế.

 

10 tuổi, nặng 110 kg

 

Trong khi tình trạng trẻ suy dinh dưỡng diễn ra ở khá nhiều quận, huyện ngoại thành thì tình trạng thừa cân, béo phì lại tiếp tục tăng cao ở trẻ em của các quận nội thành. Một khảo sát mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh đối với các quận nội thành cho thấy có gần 30% trẻ bị thừa cân, béo phì.

 

Khoa Tư vấn Dinh dưỡng lâm sàng của Trung tâm Dinh dưỡng mỗi ngày tiếp nhận khám, tư vấn cho khoảng 100 trẻ thừa cân, béo phì. Theo các bác sĩ (BS) ở đây cho biết không ít lần phải tiếp nhận trẻ mới 9-10 tuổi nhưng đã cân nặng từ 100-110 kg. Ngoài ra, kết quả khảo sát trong 300 trẻ từ 2 tuổi trở lên bị béo phì đến khám tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho thấy 50% số này bị gan nhiễm mỡ.

 

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, cho biết nếu như cách đây chừng 10 năm, toàn thành phố chỉ có khoảng 2,2% trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì thì nay tỉ lệ này đã tăng gấp 6 lần, tập trung ở nhóm trẻ từ 2-10 tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng của toàn thành phố vẫn là khoảng 7%, phổ biến ở khu vực ngoại thành.

 

Lỗi từ cách chăm sóc

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân chính khiến trẻ thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng xuất phát từ cách chăm sóc của gia đình.

 

Do nhiều bậc cha mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng dẫn đến thiếu bổ sung hoặc bổ sung thái quá vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Cũng không ít bậc cha mẹ yêu chiều con một cách quá mức; đặc biệt là việc lạm dụng thức ăn nhanh, đồ uống có gas, chất béo, tinh bột mà hạn chế sự vận động khiến trẻ dễ béo phì. Tình trạng rối loạn dinh dưỡng tiềm ẩn nguy cơ cao với sức khỏe của trẻ như rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường… ở trẻ béo phì và hạn chế sự tăng trưởng, phát triển về thể chất, trí tuệ ở trẻ suy dinh dưỡng, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng gánh nặng bệnh tật, thậm chí tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ.

 

BS Dương Công Minh công tác ở Trung tâm Dinh dưỡng cho biết để chống suy dinh dưỡng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tác động lên nhiều đối tượng như cộng tác viên dinh dưỡng, giáo viên mẫu giáo, bà mẹ nuôi con và cả trẻ nhỏ.

 

Với việc phòng ngừa béo phì, các chuyên gia khuyên khi trẻ lớn, cần tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo từng lứa tuổi; sinh hoạt điều độ, hạn chế xem tivi, chơi điện tử hoặc thức quá khuya; hạn chế sử dụng thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống có đường. Quan trọng nhất là theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao.

 

 

Mở rộng mô hình phòng chống suy dinh dưỡng

Theo Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, sau quá trình triển khai can thiệp thí điểm phòng chống suy sinh dưỡng trên khoảng 1.000 trẻ từ 1-3 tuổi tại huyện Cần Giờ, kết quả cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng ở đây giảm đáng kể. Cụ thể, giảm tỉ lệ trẻ nhẹ cân từ 11,1% xuống 9,2%; giảm thể thấp còi từ 21% xuống 12,4% và giảm thể gầy còm từ 5,6% xuống 3,2%. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chỉ với cộng đồng nhỏ nên cần phải mở rộng mô hình.

 

Theo Thanh niên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo