Thừa Thiên Huế: Thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc mang bản sắc Huế
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng năm của ngành dịch vụ đạt trên 6%, doanh thu du lịch trên 10%/năm. Lượng khách hàng năm tăng 12%. Năm 2017, lượng khách lưu trú đạt gần 1,85 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt 815 nghìn lượt. Nhiều khu du lịch, khu nghỉ dưỡng có đẳng cấp quốc tế đi vào hoạt động như: Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon và Khu du lịch Tam Giang. Du lịch di sản tiếp tục phát huy giá trị. Một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác như “Đại nội về đêm”; tuyến phố đêm đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu…
Theo Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, du lịch - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh này. Sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu du khách; thiếu các sản phẩm đặc sắc mang bản sắc Huế, chất lượng dịch vụ chưa cao. Chưa phát triển được các sản phẩm du lịch cao cấp, các dịch vụ giải trí phục vụ khách nước ngoài đem lại giá trị tăng cao. Bởi vậy, thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách còn thấp, trung bình là 1,8 ngày và 47 USD/ngày. Bởi vậy, Thừa Thiên Huế đang ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ cao cấp ở thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các sản phẩm du lịch, dịch vụ ở vùng biển, đầm phá và các di sản, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, cách mạng…
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mong muốn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, phối hợp, liên kết, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo