“Việt Nam luôn được coi là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản”.
(VOV) Chiều 18/7, tại Tokyo, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp cùng Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân Nhật Bản tổ chức Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 thu hút sự tham dự của hơn 100 đại diện các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu kinh tế của hai nước, trong đó có Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Giám đốc viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam và Tiến sỹ Etsuro Honda - Cố vấn Văn phòng Nội các của chính phủ, kiến trúc sư của chính sach kinh tế mới của Nhật Bản được biết đến với tên gọi Abenomics.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - Đoàn Xuân Hưng cho rằng chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các khoản viện trợ ODA và đầu tư trực tiếp đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước của Việt Nam. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tình cảm mà hai nước dành cho nhau. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng thẳng thắn thừa nhận môi trường đầu tư của Việt Nam còn nhiều bất cập, một số thủ tục hành chính còn rườm rà. Tuy nhiên, với nỗ lực phát triển kinh tế không ngừng, trong những năm tới Việt Nam sẽ là môi trường đầu tư hấp dẫn, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại Diễn đàn, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cũng khẳng định, trong thời gian qua môi trường đầu tư của Việt Nam đã có những cải thiện tích cực nhằm phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Tiến sĩ Trần Đình Thiên thông báo tới Diễn đàn về Chiến lược phát triển kinh tế Việt - Nhật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua vừa qua, trong đó nhấn mạnh một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam giành cho các nhà đầu tư Nhật Bản như: điện tử, chế biến nông - thủy - sản, sản xuất ô tô, môi trường, đóng tàu, hợp tác năng lượng… Qua đó, kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và sớm đầu tư vào Việt Nam.
Về phần mình Tiến sỹ Etsuro Honda giới thiệu một cách khái quát về chính sách kinh tế Abenomics, nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Abenomics đối với nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay. Theo tiến sĩ Honda, Abenomics có thể là một nhân tố giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Ví dụ trong Chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Nhật Bản sẽ chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ chăm sóc người già. Dịch vụ này đòi hỏi rất nhiều hộ lý, điều dưỡng viên. Đây sẽ là một lĩnh vực mà hai nước có thể thúc đẩy hợp tác. Ngoài ra, một nền kinh tế Nhật Bản khỏe khoắn sẽ là nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Việt Nam luôn được coi là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Tôi cho rằng có rất nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam bởi nền chính trị và kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn”, Tiến sĩ Honda khẳng định./.
Liên Sơn - Ngọc Huân