Thực hiện Luật Thuế mới: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gánh thêm chi phí
(congthuong) Ngay từ ngày Luật quản lý thuế mới có hiệu lực, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật tư phục vụ sản xuất trong nước bắt đầu bị "vướng", ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nhập khẩu.
Bởi theo Luật quản lý Thuế, trừ hàng gia công, hàng phục vụ xuất khẩu nằm trong luồng xanh, các mặt hàng nhập về để được thông quan đều phải nộp thuế trước hoặc phải có bảo lãnh thuế của ngân hàng.
Quy định mới đã dồn thêm cho doanh nghiệp gánh nặng lớn về vốn. Mặc dù lãi suất không cao nhưng khả năng vay vốn, đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng của các DN rất khó khăn, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.
Cũng bắt đầu từ tháng 7, cảng và cảnh sát giao thông áp dụng biện pháp hạ tải ngay trong cảng. Các xe ra khỏi cảng quá tải, kể cả xe chở nguyên nhiên vật liệu đều phải hạ tải. Chính vì thế, dẫn đến tình trạng ùn tắc rất lớn ở các cảng, đặc biệt tại cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng lớn.
Ông Chinh cho rằng: “Nếu tiếp tục hạ tải, đường xá giao thông cũng như hàng xuất khẩu và chi phí đều bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến nhập khẩu cho sản xuất trong nước sẽ tăng chi phí lên do đòi hỏi phải thuê thêm xe, thuê hạ tải.... Chính vì thế, doanh nghiệp cần có bài toán phù hợp, giải quyết ngay từ khi doanh nghiệp nước ngoài gửi hàng về để giảm tải.”
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, ngày 12/6/2013 Bộ Tài chính có công văn số 7527, áp dụng cho doanh nghiệp hoàn thuế VAT, tức là kiểm tra trước, hoàn thuế sau, ngược lại so với quy định từ năm 2010 là hoàn thuế trước tới 90%, kiểm tra sau, sau đó hoàn thuế tiếp 10% còn lại.
Thực hiện Luật Thuế mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu… có doanh nghiệp 1 tháng phải bỏ ra 40-50 tỷ đồng. Vì thế, nếu Bộ Tài chính không có kiến nghị, bản thân doanh nghiệp lớn gặp rất nhiều khó khăn.
“Đối với doanh nghiệp có uy tín, doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu thuộc luồng xanh có thể hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc luồng đỏ thì nên quản lý kiểm tra trước, hoàn sau.”- ông Chinh đề xuất.
Đối với mặt hàng xăng dầu, đây là mặt hàng kinh doanh đặc thù, theo giá tạm tính, có hao hụt tự nhiên nên việc nộp thuế nhập khẩu trước thông quan rất khó khăn, vì thế ông Trần Văn Thịnh- Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- đề nghị, đưa hoạt động nhập khẩu xăng dầu vào luồng xanh, cho thông quan trước, xin nộp thuế sau 1-2 ngày.
Thu Phương
End of content
Không có tin nào tiếp theo