Tin tức - Sự kiện

Thực hiện toàn diện, đồng bộ các chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội và “đền ơn đáp nghĩa”

Quán triệt các nghị quyết của Đảng về chính sách xã hội và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), trong 5 năm qua, công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội (HPQĐ), "đền ơn đáp nghĩa" được triển khai toàn diện, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Điểm nổi bật là ngành Chính sách đã tham mưu, đề xuất đúng phương hướng, kế hoạch công tác chính sách cho cả nhiệm kỳ và hằng năm. Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các nghị quyết, phương hướng, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, Tổng cục Chính trị đã trình Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ) ban hành Chỉ thị số 523-CT/QUTW về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và HPQĐ giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 469-KH/QU của Thường vụ QUTƯ về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.

Cấp ủy, chủ trì các cấp trong toàn quân đã xác định chủ trương, kế hoạch, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn từng đơn vị, địa phương. Kế hoạch công tác chính sách hằng năm; các hoạt động công tác chính sách nhân các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của quân đội và các lĩnh vực chính sách lớn được tổ chức, triển khai cơ bản, đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả tốt.

Chăm lo sức khỏe cho gia đình chính sách. Ảnh minh họa/baoapbac.vn.
Chăm lo sức khỏe cho gia đình chính sách. Ảnh minh họa/baoapbac.vn.

Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ được tập trung nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt. Trong những năm qua, ngành tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đặc thù trong quân đội; ưu tiên đề xuất và thực hiện tốt các chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, biên giới, biển, đảo; chủ động nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với lực lượng mới trong quá trình hiện đại hóa quân đội (lực lượng tàu ngầm, không quân, hải quân, cảnh sát biển…); bổ sung kịp thời chính sách đối với lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đề xuất và thực hiện tốt các chính sách giữ gìn, thu hút nguồn lực chất lượng cao làm việc ở các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tiếp tục tham gia hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội và thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng trong quân đội; quan tâm thực hiện các chế độ đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ, thôi phục vụ tại ngũ, góp phần tinh giản biên chế quân đội…

Về các chính sách hậu phương quân đội: Đã pháp luật hóa ngày càng rộng rãi và thực hiện tốt chính sách đối với gia đình quân nhân tại ngũ; hỗ trợ kịp thời gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt các chế độ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục đối với thân nhân quân nhân. Đẩy mạnh phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, kết hợp với các chương trình tặng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, giảm bớt khó khăn về nơi ở cho gia đình quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; góp phần tích cực chăm sóc đời sống cán bộ quân đội nghỉ hưu, các đối tượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Đến nay, ngành đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện chính sách đối với những người tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (có gần 3 triệu lượt người được hưởng chế độ với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng).

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, chăm sóc người có công, đền ơn đáp nghĩa. Đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách mới; phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2010 đến nay, gần 9.800 hài cốt liệt sĩ đã được tìm kiếm, quy tập; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ. Ngành đã chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có thêm hơn 60.000 bà mẹ được tuyên dương); sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công; đối tượng, điều kiện, chế độ, chính sách và các quy định về trách nhiệm, trình tự, thủ tục hồ sơ phù hợp hơn với điều kiện kinh tế-xã hội và nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong thời kỳ mới. Chăm lo chu đáo các chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động chăm sóc người có công, đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng. Toàn quân đã xây dựng gần 7.000 nhà tình nghĩa; tiếp tục nhận phụng dưỡng thêm 1.400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hằng năm hỗ trợ các trung tâm thương binh nặng về phương tiện, trang thiết bị dùng chung…, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Việc tiếp nhận và giải quyết việc làm cho con thương binh nặng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội được dư luận đánh giá cao; công tác giải quyết các tồn đọng về thương binh, liệt sĩ qua các cuộc chiến tranh được triển khai chặt chẽ, thấu tình, đạt lý.

Các chính sách xã hội trong quân đội được thực hiện tốt. Đã kết hợp đề xuất mở rộng các chính sách, đổi mới chế độ hỗ trợ gắn với nâng cao năng lực các trường nghề, chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm của xã hội, phù hợp thị trường lao động trong thời kỳ mới. Công tác chăm sóc, điều trị và các chính sách hỗ trợ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, bệnh tâm thần, hiếm muộn con… được các cấp quan tâm. Các đơn vị quân đội có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ, thiên tai; chung sức xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống các tệ nạn xã hội…

 

Việc nâng cao phẩm chất, năng lực của cơ quan chính sách và đội ngũ cán bộ chính sách được quan tâm thực hiện. Cấp ủy, chủ trì các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn về số lượng và chất lượng, kết hợp bố trí mới và tăng cường, quan tâm quản lý, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Năng lực công tác, tinh thần, trách nhiệm, sự tâm huyết, tận tụy của đội ngũ cán bộ chính sách ngày càng được nâng cao; phương pháp, tác phong công tác có nhiều đổi mới, bám sát và hướng mạnh về cơ sở. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được coi trọng; sự minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa trong công tác chính sách có tiến bộ rõ rệt.

Những kết quả công tác chính sách trong toàn quân thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, QUTƯ và Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị; là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành, cơ quan và đơn vị quân đội, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ, đối tượng chính sách, người có công và HPQĐ; củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, quân đội; tác động tích cực, hiệu quả đến nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện chiến đấu của quân đội...

Trong những năm tới, toàn ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt những định hướng cơ bản về chính sách xã hội trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X về công tác chính sách đối với quân đội và HPQĐ. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiến hành tổng kết Chỉ thị 523-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 1406/KH-CT của Tổng cục Chính trị; rút kinh nghiệm, xác định các chủ trương, giải pháp công tác chính sách trong giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, ưu đãi đối với người có công phù hợp với lộ trình cải cách của Nhà nước và Kế hoạch số 649-KH/QUTW của Thường vụ QUTƯ.

Bám sát quá trình phát triển, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của quân đội trong thời kỳ mới để đề xuất đúng, trúng, kịp thời các chính sách, tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của toàn quân, đồng thời không ngừng hoàn thiện chính sách HPQĐ, chăm sóc tốt hơn đời sống người có công, người tham gia kháng chiến; thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giải quyết các vấn đề chính sách sau chiến tranh. Ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm nòng cốt tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn công tác chính sách trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng TRẦN VĂN MINH - Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị 

 

Theo Báo QĐND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo