Thực hư chuyện gõ “BFF” để kiểm tra tài khoản Facebook bị hack
Nếu là người sử dụng mạng xã hội Facebook thì trong ít ngày qua, bạn không quá khó để bắt gặp một mẹo được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội này nhằm kiểm tra xem tài khoản Facebook có đang bị hacker chiếm đoạt hay không.
Theo đó, người dùng chỉ việc gõ “BFF” vào khung bình luận và nhấn nút Enter để đăng lên, nếu chuỗi ký tự này tự chuyển sang màu xanh nghĩa là tài khoản Facebook của người đó an toàn, còn ngược lại chuỗi ký tự vẫn giữ nguyên màu đen nghĩa là tài khoản đã bị hacker chiếm đoạt và người dùng cần phải đổi mật khẩu ngay.
Cách thức kiểm tra tài khoản Facebook này được lan truyền không lâu sau khi có thông tin hơn 50 triệu tài khoản Facebook đã bị chiếm đoạt và sử dụng thông tin cá nhân một cách trái phép. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dùng, nhiều fan page trên Facebook đã sử dụng cách thức kể trên để “câu” tương tác từ phía những người dùng mạng xã hội.
Trên thực tế, từ khóa “BFF” chỉ là một tính năng trên Facebook để giúp cho chức năng bình luận hoặc đăng status của mạng xã hội này trở nên thú vị hơn. “BFF” là từ viết tắt của “Best Friends Forever” (Mãi mãi là bạn tốt nhất) hoặc có thể hiểu là “Best Friends on Facebook” (Bạn tốt nhất trên Facebook), là một từ viết tắt thường được sử dụng để bày tỏ về tình bạn.
Khi sử dụng từ khóa “BFF” để đăng status hoặc bình luận trên Facebook sẽ tạo nên hiệu ứng hai bàn tay đập vào nhau, như một cách để thể hiện tình bạn với nhau.
Không chỉ từ khóa “BFF” mà Facebook còn hỗ trợ nhiều từ khóa khác nhau như “Xoxo”, “Chúc mừng”, “Best wishes”, “You're the best”, “Bạn đã làm được”, “Congrats”, “You got this”... mà với mỗi từ khóa khi được đăng lên bình luận sẽ tạo ra các hiệu ứng khác nhau ngay trên trang Facebook.
Đây là tính năng “hiệu ứng văn bản vui nhộn” trên Facebook, hay chỉ đơn thuần như là một “bí mật” của Facebook mà mạng xã hội này muốn người dùng khám phá thông qua các từ khóa, chứ hoàn toàn không phải là một cách thức để kiểm tra xem tài khoản Facebook của họ có bị hacker chiếm đoạt hay không.
Tuy nhiên, với một số người dùng, khi bình luận với các từ khóa kể trên thì ra chuỗi ký tự màu đen, thay vì màu xanh, và không có hiệu ứng nào xuất hiện thì chẳng qua đây chỉ là sự khác biệt về phiên bản trình duyệt mà những người dùng đang sử dụng. Với một số trình duyệt web cũ hoặc sử dụng phiên bản cũ của ứng dụng Facebook trên di động thì cách tính năng hiệu ứng văn bản này không được hỗ trợ, do vậy chuỗi ký tự vẫn được giữ nguyên thay vì thay đổi màu sắc hay tạo ra hiệu ứng.
Do vậy cách thức kiểm tra xem tài khoản Facebook có bị hack hay không như trên là hoàn toàn vô giá trị và người dùng không nên chia sẻ cách thức không chính xác này để gây nên những sự lo lắng không đáng có.
End of content
Không có tin nào tiếp theo