Thị trường

Thực hư chuyện khó vay vốn: 80 nghìn tỉ đồng bỏ không!

Khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp suy yếu khiến tín dụng từ nay đến cuối năm khó có thể tăng mạnh và làm nguồn vốn tín dụng trung - dài hạn cho nền kinh tế sụt giảm khoảng 80.000 tỉ đồng.

Tín dụng tăng thấp



Trên đây là một trong những nhận định quan trọng của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012 gửi lên Chính phủ.

 

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, các giải pháp cơ cấu lại nợ, mở rộng đối tượng cho vay và hạ lãi suất tín dụng dành cho 4 nhóm đối tượng được ưu tiên và hạ trần lãi suất huy động theo xu hướng giảm của CPI thời gian qua bước đầu giúp cho doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hỗ trợ nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp.

 

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12.6 đã tăng 0,17% so với đầu năm, cải thiện đáng kể so với mức -0,28% tính đến ngày 31/5.



Các giải pháp trên đây, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng góp phần giảm bớt rủi ro kỳ hạn của hệ thống ngân hàng, đưa lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua và giúp cho đường cong lãi suất bắt đầu cong trở lại ở nhiều ngân hàng.

 

“Đây là tín hiệu tích cực khi mà trong suốt vài năm qua, đường cong lãi suất của hệ thống đã trở thành đường thẳng và thậm chí là dốc xuống khi các lãi suất các kỳ hạn ngắn luôn cao hơn lãi suất các kỳ hạn dài” - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá.



Song Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận thấy điểm hạn chế lớn nhất của Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường là nguồn tài chính hỗ trợ cho tổng cầu vẫn còn khá khiếm tốn.

 

Cụ thể, biện pháp được xem là đánh trúng khó khăn hiện tại của doanh nghiệp và giải quyết việc ứ đọng đầu ra (đặc biệt là hàng tồn kho vật liệu xây dựng...) là đẩy nhanh vốn đầu tư cho các dự án ngân sách Nhà nước chỉ có quy mô vốn khá nhỏ 2.000 tỉ đồng.

 

Hơn nữa việc dãn thuế VAT ứng với tổng giá trị khoảng 12.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 0,5% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế nên cũng không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.

 

“Hệ quả là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn còn yếu, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng gần đây tuy đã tăng nhẹ, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,4% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng” – báo cáo chỉ rõ.



Sụt giảm vốn đầu tư



Dựa trên những đánh giá về khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng trong nền kinh tế khá cao, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tín dụng từ nay đến cuối năm khó có thể tăng mạnh.

 

Mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhiều khả năng sẽ chỉ khoảng 8% và như vậy sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổng đầu tư toàn xã hội đạt 33,5% GDP.

 

“Với mức tăng 8%, nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế cả năm ước giảm khoảng 80.000 tỉ đồng, tương đương mức giảm khoảng 0,6 điểm % tăng trưởng GDP” - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính. Dù rằng cũng theo các tính toán trên, việc lạm phát được kiềm chế ở mức rất thấp (dự báo khoảng 6%) so với mục tiêu (10%) đã giúp giảm áp lực quy mô tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 36.000 tỉ đồng.



Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp và dư địa của chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cần cần linh hoạt hơn nữa trong chi tiêu đầu tư công nhằm bù đắp phần thiếu hụt tín dụng, đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch, góp phần duy trì nguồn lực tăng trưởng trong ngắn hạn.

 

Các giải pháp về chính sách tài khóa được kiến nghị gồm: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2012; thực hiện ứng chi một phần vốn đầu tư cho những dự án xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách Nhà nước của năm 2013. Đặc biệt tập trung tăng đầu tư công vào các dự án xây dựng cơ bản ở vùng nông thôn đã có sẵn kế hoạch triển khai thực hiện, có tốc độ giải ngân và khả năng hấp thụ vốn nhanh.

 

“Kết quả ước lượng dựa trên 2 phương pháp tiếp cận tổng cầu và phương pháp tính tốc độ tăng trưởng GDP dựa trên tổng đầu tư toàn xã hội đều cho thấy tăng trưởng GDP năm 2012 sẽ đạt khoảng 5,3% -5,6% nếu có sự phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa - chính sách tiền tệ và việc tổ chức triển khai tích cực, đảm bảo tính khẩn trương, đồng bộ” - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa quan điểm.

 

“Trên cơ sở dự báo lạm phát khoảng 6% vào cuối năm 2012, dư địa công cụ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ còn khoảng 100 điểm cơ bản. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong việc áp dụng công cụ lãi suất theo sát diễn biến CPI, tỉ giá và hơn lúc nào hết chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải được phối hợp trong việc tính toán định lượng tổng cầu của nền kinh tế cũng như phối hợp thực thi hướng tới mục tiêu này” – báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia viết.

 

 

Theo Lao Động

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo