Thực hư vẩy tay chữa bá bệnh
Có người nói nếu vẩy tay 3.000-6.000 lần thì có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng phương pháp này có hiệu quả nhất định nhưng tài liệu chưa đáng tin cậy.
Vẩy tay hay vung tay để phòng và chữa bệnh là một trong những biện pháp phòng chống bệnh tật không dùng thuốc của y học phương Đông, có lịch sử khá lâu đời. Có người cho rằng đây chỉ là một trong 72 phép của Dịch cân kinh thuộc phái Thiếu Lâm. Theo cổ nhân, vẩy tay có tác dụng nâng cao công năng hoạt động của các tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khơi thông kinh mạch, từ đó nâng cao chính khí (sức đề kháng) giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật.
Trên thực tế, ở Trùng Khánh (Trung Quốc), phương pháp này đã được Lưu Dũng chỉnh lý và sử dụng chữa trị hiệu quả một số bệnh lý như cao huyết áp, hen suyễn, suy nhược thần kinh, đau nhức xương khớp...
Ở nước ta, vẩy tay đã được nhiều nơi, nhiều người áp dụng và cho thấy những hiệu quả nhất định. Nhiều tác giả chuyên nghiên cứu về khí công dưỡng sinh cũng cho rằng hiệu quả ngăn ngừa và chữa trị tật bệnh của phương pháp vẩy tay là có thực. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học bài bản và nghiêm túc nào được tiến hành ở trong nước chứng minh rõ ràng điều này. Hơn nữa, tài liệu và các cơ sở hướng dẫn tập luyện phương pháp vẩy tay chủ yếu dựa vào một tài liệu được photo thành nhiều bản, rồi truyền tay nhau mà chưa có cơ sở đáng tin cậy nào truyền dạy và thiếu tính thống nhất, thậm chí có quan điểm còn thổi phồng lên rằng vẩy tay có thể chữa bách bệnh kể cả… ung thư.
Phương pháp tập như sau: hai chân đứng thẳng với khoảng cách rộng bằng hai vai, toàn thân thả lỏng, hai vai và hai cánh tay buông tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào trong, mắt nhìn thẳng về phía trước, thở đều và êm, tinh thần thư giãn thoải mái. Sau khi thả lỏng toàn thân trong trạng thái trên chừng 1-2 phút, hai tay bắt đầu vung về phía trước sao cho tạo với cơ thể một góc 45 độ (lấy ngón tay cái không vượt quá ngang rốn làm giới hạn), khi làm ngược lại lấy mép ngoài của ngón út không vượt quá mông làm giới hạn.
Cứ làm đi làm lại như vậy nhiều lần. Phải tùy thuộc thể lực, tuổi tác, tính trạng sức khỏe để quyết định số lần và tốc độ vẩy tay. Con số 1.800 hay 3.000, 6.000 cái vẩy tay không có ý nghĩa quyết định hiệu quả của phương pháp. Nguyên tắc là phải tiến hành từ ít đến nhiều, từ chậm đến nhanh, miễn sao sau mỗi lần tập cơ thể cảm thấy khỏe mạnh, thoải mái là được, tuyệt nhiên không được làm quá sức.
Chú ý, khi vẩy tay phải thả lỏng toàn thân, đặc biệt vai, cánh tay và phối hợp hài hòa với hoạt động mềm mại của lưng và chân, tuyệt đối không được căng cứng. Hơn nữa, cần hít thở tự nhiên, ban đầu là thở bình thường sau đó chuyển sang thở bằng bụng là chủ yếu. Khi nước bọt tiết ra nhiều thì nuốt vào trong, không nhổ ra bên ngoài. Tuyệt đối không tập khi cảm thấy nóng ruột, cáu giận, quá no hoặc quá đói. Sau khi tập phải giữ nguyên tư thế, đứng yên trong 1-2 phút rồi vận động nhẹ nhàng.
Bác sĩ Võ Tường Kha, trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Y học thể thao Việt Nam thì cho rằng phương pháp này không chữa được bệnh mãn tính.
Chỉ là một động tác nhỏ của Dịch cân kinh nhưng tác dụng phòng bệnh của vẩy tay là có thật. Dịch cân kinh chỉ cho ta phương pháp đào luyện gân cốt và ý chí chuyển yếu thành mạnh, là phương pháp kết hợp nguyên tắc thiền và động tác (động và tĩnh), giữa cương và nhu, thần và khí (tâm và hơi thở), giữa khí và lực (hơi thở và sức mạnh). Tác động này thúc đẩy khí huyết lưu thông, kinh mạch điều hoà, các tạng phủ trong cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ, giúp loại trừ các loại cặn bã, các chất độc hại, đưa các chất bổ dưỡng đến tạng phủ, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Tạng phủ được nuôi dưỡng tốt còn giúp máu về tim nhiều lên, trao đổi máu tăng, làm mạnh xương, khớp, cải thiện hô hấp, huyết áp... Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là một trong các phương pháp nâng cao thể trạng và giúp phòng bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường, các bệnh cần can thiệp ngoại khoa thì bài tập không thể chữa được bệnh.
Không thể có một phương pháp trị được cùng lúc các bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo. Cũng nên lưu ý, không phải tất cả mọi người đều có thể tập vẩy tay, nên tập thử một thời gian, nếu thấy sức khỏe cải thiện tốt thì tập tiếp, còn mệt mỏi thì dừng ngay.
Minh Anh ( theo kienthuc )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao