Thực phẩm chức năng uống vào... nhập viện
Phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giả
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam từ gần một năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cửa hàng vẫn kinh doanh mặt hàng có chứa chất cấm này.
Mới đây, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn Hà Nội và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Lishou loại 40 viên. Kết quả giám định cho thấy, các sản phẩm này đều có hoạt chất sibutramine đặc biệt nguy hiểm. Hàm lượng sibutramine từ 8-10mg/viên, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu sản phẩm thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng bị phát hiện và xử lý.
Trước đó, ngày 9/8/2011, Phòng an ninh kinh tế Công an Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện một số lượng lớn thực phẩm chức năng không đủ thành phần và tiêu chuẩn chất lượng tại văn phòng Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam (đường Nguyên Hồng, Q.Đống Đa, Hà Nội). Gần 100 thùng cactông đựng các loại nhãn mác và thực phẩm chức năng đã được đóng gói gồm Vilamin E, Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba,... đều mang nhãn mác của Mỹ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện tại tầng hai và tầng ba của văn phòng này hai máy đóng gói, dán tem sản phẩm và hàng ngàn sản phẩm chức năng dưới dạng viên đang trong quá trình được đóng gói.
Lãnh đạo Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam khai nhận, các loại bao bì, nhãn mác, hộp đựng sản phẩm và các loại thực phẩm chức năng dạng viên được công ty nhập từ Hải Dương về rồi cho nhân viên đóng gói, dán tem nhãn để bán. Mỗi ngày, công ty này tung ra thị trường khoảng 20 thùng thực phẩm chức năng các loại.
Ngày 24/6/2011, lực lượng quản lý thị trường, Công an Kinh tế TP.Hà Nội cùng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng của Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Gia và phát hiện một lượng lớn thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng như đã công bố.
Cơ quan chức năng phát hiện trong kho hàng của công ty này có 3.783 lọ thực phẩm chức năng các loại dạng viên nang; 27,5kg vỏ hộp, tem nhãn hàng hóa. Các loại thực phẩm chức năng được phát hiện tại đây đều không đạt chất lượng như công ty công bố, đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được công ty nhập về rồi dán nhãn và bán trên thị trường. Tuy nhiên, trên nhãn mác đều thể hiện sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, từ mã vạch tới thông tin sản phẩm.
Trong tháng 5/2011, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giả lưu hành trên địa bàn. Trong đó, có 2 nhà thuốc tại địa chỉ số 17 Nguyễn Án, P11Q5 và số 320 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh vì chứa loại thực phẩm chức năng giả mang nhãn hiệu Thiên Tịch Ninh. Chủ các cơ sở trên cũng không xuất trình được giấy phép kinh doanh loại thực phẩm chức năng này.
Đi viện vì uống thực phẩm chức năng
Hầu hết mọi người sử dụng thực phẩm chức năng để làm đẹp. Nhưng cũng có không ít trường hợp dùng thực phẩm chức năng để điều trị các bệnh mãn tính như lupus ban đỏ, mề đay, hay để tăng cường sinh lực...
Lợi dụng nhu cầu về sản phẩm thực phẩm chức năng ngày một tăng và cũng vì lợi nhuận của mặt hàng này quá lớn, nhiều người đã không ngần ngại sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, rởm. Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc đông y đội lốt thực phẩm chức năng. Tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thực phẩm chức năng không có nguồn gốc rõ ràng hoặc giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang diễn ra khá phức tạp.
Theo cơ quan chức năng, các sản phẩm này được làm giả, làm nhái hết sức tinh vi, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường mà không qua giám định thì người am hiểu cũng dễ bị nhầm lẫn, không xác định được nơi sản xuất. Xuất xứ được in trên bao bì của sản phẩm hết sức mập mờ, đôi khi chỉ được ghi tắt bằng chữ P.R.C.
Nếu không may uống phải thực phẩm chức năng giả sẽ rất nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Thời gian gần đây, rất nhiều người phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch do sử dụng thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Lishou có hoạt chất sibutramine. Đây là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng có thể gây các bệnh như: tăng huyết áp, rối loạn tim mạch, có nguy cơ đột qụy.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi và tiêu hủy tất cả các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, dù đã rất nỗ lực kiểm soát, nhưng sản phẩm nguy hại này vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường. Được biết, hiện TP. Hà Nội có tới gần 10.000 nhà thuốc đang hoạt động và mua thứ thực phẩm này rất dễ dàng, kể cả ở trên mạng.
Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng thật cũng có thể gây dị ứng cho người. Bởi thực phẩm chức năng là sản phẩm trung gian giữa thuốc và thực phẩm. Mà thực phẩm, thuốc đều có thể gây dị ứng cho con người. Thực phẩm chức năng dù có được tinh chế, sản xuất với công nghệ hiện đại thì người sử dụng cũng vẫn có nguy cơ bị dị ứng. Khi bị dị ứng thực phẩm chức năng, nếu nhẹ thì sẽ bị nổi mề đay, mẩn ngứa da, nặng hơn một chút thì sẽ có triệu chứng khó thở, đau bụng, nôn... Nếu nặng hơn nữa, thậm chí bệnh nhân sẽ bị sốc phản vệ với các triệu chứng người tím tái, huyết áp tụt, loạn nhịp tim, trụy mạch và có thể dẫn đến tử vong.
Theo VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam