Thực phẩm nhiễm độc chờ… quy định
Thịt gà cũng nhiễm chất độc
Tại cuộc họp bàn về an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng vật tư nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 6/9, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y, hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh miền Bắc năm 2013, có phát hiện chất cấm trên thịt gà.
Theo ông, đến tháng 8/2013, có 4/54 mẫu thịt gà phát hiện vi khuẩn Campylobacter có khả năng gây sốt, tiêu chảy, đau đầu, mê sảng. Đặc biệt, có 2/40 mẫu và 4/40 mẫu dương tính với 2 chất cấm có độc tính mạnh lần lượt là Chloramphenicol và Furazolidon (có khả năng gây ung thư). Có 4/40 mẫu phát hiện chất kháng sinh Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép.
Ông Tiệp cũng cho biết, trong chương trình giám sát chất độc hại trên thủy sản nuôi, các địa phương đã kiểm tra lấy 507 mẫu thủy sản để phân tích hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 1 mẫu tôm thẻ chân trắng tại Ninh Phước, Ninh Thuận nhiễm chất kháng sinh Oxytetracycline vượt quá giới hạn cho phép (0,19%).
Trong tháng 8, các chi cục Thú y vùng IV, tổ chức kiểm tra gần 890 cơ sở giết mổ, chăn nuôi, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi và thú y và phát hiện gần 180 cơ sở không đạt yêu cầu về vệ sinh thú y.
Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế), đến đầu tháng 9/2013, cả nước xảy ra 126 vụ ngộ độc, với trên 3.800 người mắc, 19 người chết. Số vụ, người ngộ độc có giảm, số người chết giảm 8 người so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, ngộ độc cấp tính như trên, có thể khống chế, nhưng lo ngại hơn là ngộ độc mãn tính, dạng “ngấm dần”, nên cần phải kiểm soát theo chuỗi từ cây, con đến sản phẩm.
Ông Hùng cảnh báo, sau khi rộ lên về chất tẩy trắng độc hại tinopal trên bún, bánh phở, bánh canh, thì mới đây, lại nổi lên chất tinopal trên “bột ướt”, một loại bột chế biến sẵn để làm bún, bánh. Hiện Bộ đang đề nghị các địa phương phối hợp kiểm soát, lấy mẫu nghi ngờ để kiểm nghiệm tìm chất tinopal.
Chờ quy định về chất bảo quản
Về kiểm soát ATTP trên rau quả nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng BVTV cũng cho biết, từ đầu năm tới nay, đơn vị kiểm dịch thực vật đã kiểm dịch trên 4.900 lô hàng (hơn 412 nghìn tấn), với 70 mặt hàng có nguồn gốc thực vật, nhập từ hơn 40 quốc gia.
Cơ quan kiểm dịch đã lấy 55 mẫu rau củ quả, trong đó 32 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc BVTV, còn 23 mẫu phát hiện nhưng dưới ngưỡng cho phép. Theo ông Hồng, từ nay đến Tết, hàng rau củ quả sẽ nhập về nước ta nhiều từ Trung Quốc, Thái Lan... nên cần tăng cường gác ở cửa khẩu.
Liên quan đến kiểm soát chất điều hòa sinh trưởng và chất bảo quản trên rau quả, lãnh đạo Cục BVTV cho biết, hiện Cục chưa cấp cho một loại thuốc nào sử dụng ở Việt Nam. Thực tế, trên thế giới đang cho phép sử dụng các hoạt chất an toàn để xử lý hoa quả sau thu hoạch.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm đưa ra danh mục chất điều hòa sinh trưởng (thúc chín trái cây) và chất bảo quản. Sau đó, khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu, và tạo điều kiện khảo nghiệm nhanh, trước khi vào sử dụng”, ông Hồng nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, danh mục trên phải làm xong và ban hành ngay trong tháng 9. Ông Phát yêu cầu các đơn vị trong bộ, tiếp tục thanh kiểm tra về chất lượng thịt, có liên quan đến quy trình nuôi, quản lý thức ăn, thuốc thú y, giết mổ vì đang là vấn đề nóng bỏng nhất.
Chủ động đánh giá nguy cơ rủi ro, phân chia các sản phẩm thành nhóm “xanh, vàng, đỏ” để chỉ đạo, kiểm soát. Riêng về tinopal trong “bún ướt”, Cục BVTV đề nghị các địa phương kiểm tra, kiểm soát, để truy tìm nguồn gốc chất cấm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất