Thuế nhập khẩu một số dòng xe ôtô tải sắp tăng mạnh?
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin ý kiến về Dự thảo Thông tư Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe ô tô tải thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Tăng 13 dòng thuế của xe ô tô tải thường
Tại dự thảo thông tư này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ điều chỉnh thuế suất của 16/19 dòng thuế của xe tải thường hiện đang có mức thuế nhập khẩu thấp hơn cam kết WTO.
Cụ thể, 3 dòng thuế của xe ô tô tải thường dưới 5 tấn (8704.21.29, 8704.31.29 và 8704.90.91): có cam kết WTO là 70%, thuế suất MFN là 68%, KNNK 5 tháng/2015 là 11.858 chiếc. Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất của 3 dòng thuế này từ 68% lên 70% bằng mức cam kết trần WTO (do đây là chủng loại xe tải nhỏ thuộc diện quy hoạch ưu tiên phát triển).
Với 1 dòng thuế của “Xe tải trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn, động cơ diesel” (mã hàng 8704.23.29), có phát sinh KNNK trong 5 tháng/2015 là 754 chiếc: có cam kết WTO 2015 là 25%, thuế suất MFN là 20% nên có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế suất MFN từ 20% lên 25%;
Với 2 dòng thuế của “Xe tải trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn, động cơ xăng” mã hàng 8704.32.69 và “Xe tải trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn, động cơ khác” mã hàng 8704.90.94: đang có thuế suất MFN là 15% và 20% (cam kết WTO 2015 là 25% và 35%). Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất của 2 dòng thuế này từ 15% và 20% lên tương ứng là 25% và 35%, bằng mức cam kết WTO.
1 dòng thuế của “Xe tải trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn, động cơ diesel” thuộc mã hàng 8704.23.69, KNNK trong 5 tháng/2015 là 4.215 chiếc: có cam kết WTO năm 2015 là 25%, thuế suất MFN hiện hành là 20%, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất MFN từ 20% lên 25% bằng với mức trần cam kết WTO.
Với 3 dòng thuế của xe tải có tải trọng trên 5 tấn nhưng dưới 6 tấn, động cơ xăng (mã hàng 8704.32.29), xe tải có tải trọng trên 6 tấn nhưng dưới 10 tấn, động cơ xăng (mã hàng 8704.32.46) và xe tải có tải trọng trên 5 tấn nhưng không quá 10 tấn, động cơ khác (mã hàng 8704.90.92): Thuế suất MFN hiện hành là 50%, cam kết WTO là 70%, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất 3 dòng thuế này từ 50% lên 70% bằng mức trần cam kết WTO.
Với 2 dòng thuế của “Xe tải có tải trọng trên 10 tấn đến dưới 20 tấn, động cơ xăng” (mã hàng 8704.32.49) và “Xe tải có tải trọng trên 10 tấn đến dưới 20 tấn, động cơ khác” (mã hàng 8704.90.93): có thuế suất MFN hiện hành là 30%, cam kết WTO của mã hàng 8704.32.49 là 45%, cam kết WTO của mã hàng 8704.90.93 là 70%. Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất MFN của hai dòng thuế này từ 30% lên 45% và 70%, bằng mức trần cam kết WTO.
1 dòng thuế của “Xe tải có tải trọng trên 24 tấn đến dưới 45 tấn, động cơ xăng” (mã hàng 8704.32.89): có mức thuế MFN hiện hành là 15%, cam kết WTO là 25%, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất dòng thuế này từ 15% lên 25% bằng mức trần cam kết WTO.
Với 3 dòng thuế của xe tải có tải trọng trên 45 tấn (mã hàng 8704.23.89; 8704.32.99 và 8704.90.99): thuế suất MFN là 0%, cam kết WTO là 25%. Tuy nhiên, dòng xe tải trên 45 tấn là tư liệu sản xuất và thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp vì vậy Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của 3 dòng thuế này.
8/10 dòng thuế ôtô tải tự đổ sẽ được điều chỉnh
Bộ Tài chính cho biết, biểu thuế MFN có 6 dòng thuế xe tải tự đổ thuộc loại được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải là đường quốc lộ (tải trọng dưới 5 tấn; tải trọng trên 5 tấn đến 10 tấn; tải trọng trên 10 tấn đến 20 tấn; tải trọng trên 20 tấn đến 24 tấn; tải trọng trên 24 tấn đến 45 tấn và tải trọng trên 45 tấn) và 4 dòng thuế của xe tự đổ thuộc loại được thiết kế chạy trên đường quốc lộ (tải trọng trên 24 tấn đến dưới 45 tấn và tải trọng trên 45 tấn). Trong đó có 2 dòng thuế có thuế suất bằng cam kết WTO, còn 8 dòng thuế có thuế suất thấp hơn cam kết WTO. Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất của 8 dòng thuế này như sau:
1 dòng thuế của “xe tải tự đổ có tải trọng trên 5 tấn nhưng không quá 10 tấn, thuộc loại được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải là đường quốc lộ” (mã hàng 8704.10.24): có mức thuế suất MFN hiện hành là 50%, cam kết WTO năm 2015 là 56%, cam kết cuối cùng trong WTO vào năm 2017 là 50%. Vì vậy, Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của dòng thuế này.
1 dòng thuế của “xe tải tự đổ có tải trọng trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn, thuộc loại được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải là đường quốc lộ” (mã hàng 8704.10.25): có mức thuế suất MFN hiện hành là 30%, cam kết WTO năm 2015 là 56%, cam kết cuối cùng trong WTO vào năm 2017 là 50%. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất MFN của dòng thuế này từ 30% lên 50%.
1 dòng thuế của “xe tải tự đổ có tải trọng trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn, thuộc loại được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải là đường quốc lộ” (mã hàng 8704.10.26): có mức thuế suất MFN hiện hành là 20%, cam kết WTO năm 2015 là 56%, cam kết cuối cùng trong WTO vào năm 2017 là 50%. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất MFN của dòng thuế này từ 20% lên 50%.
1 dòng thuế của “xe tự đổ trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn, động cơ diesel, được thiết kế để sử dụng trên đường quốc lộ” thuộc mã hàng 8704.23.66, KNNK trong 5 tháng/2015 là 1.778 chiếc, trị giá đạt 79,6 triệu USD: có cam kết WTO 2015 là 25%, thuế suất MFN hiện hành là 10% nên Bộ Tài chính để xuất điều chỉnh tăng thuế suất từ 10% lên 25%.
1 dòng thuế của “xe tự đổ trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn, động cơ xăng, được thiết kế để sử dụng trên đường quốc lộ” thuộc mã hàng 8704.32.86, không phát sinh KNNK trong 5 tháng/2015, có cam kết WTO 2015 là 25%, thuế suất MFN hiện hành là 10% nên để thống nhất mức thuế suất đối với chủng loại xe tải tự đổ trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất của 01 dòng thuế này từ 10% lên 25%.
1 dòng thuế của “Ô tô tải tự đổ trên 45 tấn được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải đường quốc lộ” (mã hàng 8704.10.28), KNNK trong 5 tháng/2015 là 77 chiếc, trị giá đạt 40,6 triệu USD: có cam kết WTO là 10%, thuế suất MFN hiện hành là 0% nên có thể điều chỉnh tăng từ 0% lên 10% tuy nhiên đây là dòng xe tự đổ trên 45 tấn (không chạy trên đường quốc lộ), là tư liệu sản xuất và thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp. Theo đó, Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của chủng loại xe này là 0% thống nhất với mức thuế suất MFN là 0% của các chủng loại xe tải khác trên 45 tấn.
1 dòng thuế của “Ô tô tải tự đổ trên 45 tấn, được thiết kế để sử dụng trên đường quốc lộ” thuộc mã hàng 8704.23.86, KNNK trong 5 tháng là 615 chiếc, trị giá đạt 48,2 triệu USD: có cam kết WTO là 25%, thuế suất MFN hiện hành là 0% nên có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế suất từ 0% lên 25%, tuy nhiên đây là dòng xe tự đổ trên 45 tấn (chạy trên đường quốc lộ), là tư liệu sản xuất và thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp. Theo đó, Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của chủng loại xe này là 0%.
1 dòng thuế của “xe tải tự đổ có tải trọng trên 45 tấn, thuộc loại được thiết kế để sử dụng trên các loại đường quốc lộ” (mã hàng 8704.32.98): có mức thuế suất MFN hiện hành là 0%, cam kết WTO năm 2015 là 25%. Đây là tư liệu sản xuất và thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp. Theo đó, Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của chủng loại xe này là 0% thống nhất với mức thuế suất MFN là 0% của các chủng loại xe tải khác trên 45 tấn.
Thuế nhập khẩu xe chuyên dùng dự kiến tăng lên mức 20%
Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất các chủng loại xe chuyên dùng lên thống nhất mức 20%, vì theo Biểu thuế hiện hành một số chủng loại xe chuyên dùng đã có mức thuế suất 20%. Việc xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xe chuyên dùng phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp xe chuyên dùng.
Mặt khác, theo Thông tư số 122/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 thì khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái (xe ô tô sát xi) có tải trọng trên 20 tấn nhưng dưới 45 tấn hiện có mức thuế nhập khẩu là 15%, vì vậy việc điều chỉnh tăng thuế suất của các dòng thuế của xe chuyên dùng lên mức 20% là phù hợp về mặt chính sách (thuế suất bán thành phẩm thấp hơn thuế suất của xe nguyên chiếc).
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh thuế suất đối với các chủng loại xe chuyên dùng cụ thể như sau: Đối với loại xe tải đông lạnh: Tăng thuế của 7 dòng thuế xe tải đông lạnh từ 15% lên 20%. Giữ nguyên thuế suất của 3 dòng thuế có mức thuế hiện hành là 20% (xe đông lạnh trên 6 tấn nhưng dưới 20 tấn, mã hàng 8704.22.41 và xe tải đông lạnh trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn, mã hàng 8704.23.61) và 02 dòng thuế của xe đông lạnh trên 45 tấn có mức thuế suất 0%.
Đối với loại “Xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải”: Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất của 8 dòng thuế từ 15% lên 20%. Giữ nguyên thuế suất của 2 dòng thuế có mức thuế hiện hành là 20% và 2 dòng thuế của chủng loại xe trên 45 tấn có mức thuế suất 0%.
Đối với loại “Xe xitéc, xe chở xi măng kiểu bồn”: Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất của 6 dòng thuế từ 15% lên 20%. Giữ nguyên thuế suất của 4 dòng thuế đang có mức thuế hiện hành là 20% và 2 dòng thuế là xe trên 45 tấn có mức thuế 0%.
Đối với loại xe tải chở bùn có thùng rời nâng hạ được: Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế đối với 9 dòng thuế từ mức 15% lên 20%. Giữ nguyên thuế suất đối với 1 dòng thuế có mức thuế hiện hành là 20% và 2 dòng thuế là xe trên 45 tấn hiện đang có mức thuế suất 0%.
Ngoài ra, tại Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu có quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu của Bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô (nhóm 98.21). Khi điều chỉnh thuế suất MFN của xe ô tô tải nguyên chiếc dưới 20 tấn thì cần điều chỉnh thuế suất bộ linh kiện của xe cùng chủng loại tương ứng.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất 3 dòng thuế của bộ linh kiện đồng bộ/không đồng bộ của chủng loại xe dưới 5 tấn tại nhóm 98.21 từ mức 68% lên mức 70% (tương ứng với việc điều chỉnh mức thuế suất của xe tải dưới 5 tấn từ mức 68% lên mức 70%).
Giữ nguyên mức thuế suất đối với linh kiện, phụ tùng ô tô
Tại văn bản, Bộ Tài chính cũng dự kiến điều chỉnh thuế suất của xe ô tô sát xi lên mức 18% do tính chất lắp ráp đơn giản nên để khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước, đồng thời phù hợp với việc điều chỉnh tăng thuế suất của ô tô tải nguyên chiếc.
Đối với linh kiện, phụ tùng ô tô, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô hầu như không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ những nước có công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc...để sản xuất, lắp ráp xe trong nước.
Do vậy trước mắt Bộ Tài chính đề nghị thực hiện mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN theo quy định hiện hành. Về lâu dài, sau khi Bộ Công Thương ban hành Danh mục các loại phụ tùng, linh kiện cần khuyến khích đầu tư sản xuất và các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ ngành điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện phụ tùng ô tô cho phù hợp với định hướng của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines