Thuế vẫn “ăn” vào vốn nhà đầu tư
Tuy Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi phần nào đã khắc phục những bất cập về nghĩa vụ thuế của NĐT cá nhân tham gia đầu tư trên TTCK, nhưng do quy định pháp lý không có tính khả thi, nên dù đầu tư thua lỗ, NĐT vẫn đang phải đóng thuế.
Gỡ khó... trên giấy
Bất cập của Luật Thuế TNCN được ban hành năm 2007, là trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm, thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế. Điều này dẫn đến tình huống nếu cuối năm đầu tư thua lỗ, NĐT vẫn phải nộp thuế. Cụ thể, nếu ngay từ đầu năm, NĐT đăng ký nộp thuế theo mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, có nghĩa là có lãi mới phải nộp thuế. Tuy nhiên, ngay cả khi đăng ký nộp thuế theo hình thức này, NĐT đều bị CTCK khấu trừ với mức thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần. Bởi vậy, về nguyên tắc, cuối năm quyết toán thuế, nếu lỗ NĐT sẽ được hoàn lại số tiền thuế đã bị khấu trừ. Tuy nhiên, do thủ tục hoàn thuế quá rườm rà, không khả thi, nên khiến NĐT đành chấp nhận nộp thuế ngay cả khi đầu tư thua lỗ.
Xét thuần túy ở góc độ quy định pháp lý, bất cập trên được khắc phục khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, bỏ quy định buộc NĐT phải đăng ký kỳ tính thuế ngay từ đầu năm. Có hai hình thức nộp thuế là: mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, hoặc theo mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng. Trên cơ sở kết quả đầu tư cả năm, khi quyết toán thuế, NĐT được quyền chọn một trong hai hình thức nộp thuế sao cho có lợi nhất.
Tuy nhiên, theo phản ánh của NĐT, bất cập về thuế TNCN áp dụng đối với NĐT cá nhân tham gia TTCK chỉ được tháo gỡ... trên giấy. Có nghĩa là đầu tư thua lỗ, NĐT vẫn phải nộp thuế. Đây là nghịch lý khó chấp nhận, bởi hoàn toàn trái nguyên lý và đạo lý quan trọng nhất của nghiệp vụ thuế là đầu tư, kinh doanh có lãi mới phải đóng thuế.
Theo quy định hiện hành, bất kể NĐT chọn hình thức nộp thuế theo mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, hoặc theo mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, thì khi bán chứng khoán, CTCK có trách nhiệm khấu trừ thuế của NĐT dù giao dịch lỗ hay lãi. Qua theo dõi dữ liệu khấu trừ thuế này, Tổng giám đốc một CTCK cho biết, không hiếm NĐT mở tài khoản giao dịch tại Công ty đầu tư thua lỗ, nhưng vẫn phải nộp hàng trăm triệu đồng tiền thuế mỗi năm.
Tuy rất muốn quyết toán thuế, để tránh tình trạng thuế “ăn” vào vốn, nhưng do nhận thấy tính không khả thi của việc quyết toán thuế, nên gần như toàn bộ NĐT cá nhân hiện tại đều chọn hình thức nộp thuế theo mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần. Nói đúng hơn là sau khi bị khấu trừ thuế ngay khi bán chứng khoán, NĐT không quan tâm đến việc quyết toán thuế. Họ chấp nhận một thực tế là sau khi bị khấu trừ thuế 0,1% là hoàn tất nghĩa vụ thuế, bất kể giao dịch lỗ hay lãi.
Bất cập trên đang làm nản lòng không ít NĐT, bởi chính việc thua lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế càng làm cho mức lỗ của họ thêm trầm trọng. Trong khi lẽ ra đầu tư vốn vào TTCK cần được ưu đãi thuế, để huy động hiệu quả hơn nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường, qua đó hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.
UBCK vào cuộc
Thực tế trên cho thấy, để khuyến khích NĐT tham gia TTCK, đầu tư vốn nhiều hơn vào DN, thì cơ quan quản lý chưa cần nhọc công nghiên cứu, đề xuất những giải pháp ưu đãi gì ghê gớm, mà chỉ cần hỗ trợ NĐT thuận lợi trong việc quyết toán thuế TNCN, đảm bảo rằng họ được đối xử công bằng, sòng phẳng, rằng đầu tư thua lỗ thì không phải đóng thuế như hiện tại. Một khi thực trạng này vẫn tồn tại kéo dài từ năm này qua năm khác, thì bất kể một lời giải thích nào từ phía cơ quan quản lý cũng khó được giới đầu tư chấp nhận.
Có lẽ nhận thấy những bất cập trên đang tác động không tích cực đến thị trường, tâm lý NĐT, nên một trong những giải pháp được UBCK đề ra trong chương trình hành động 6 tháng cuối năm nay là sớm nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tính thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động đầu tư vốn, đảm bảo tính khả thi theo hướng NĐT có thể lựa chọn cách tính thuế trên thu nhập chịu thuế cả năm...
Ý kiến từ các NĐT cũng như một số chuyên gia cho rằng, để khắc phục được bất cập hiện hành, cơ quan quản lý cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tính thuế đảm bảo sự liên thông giữa ngành thuế và ngành chứng khoán. Trên cơ sở đó, một mặt đơn giản hóa thủ tục quyết toán thuế, mặt khác làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan trong tạo thuận lợi xác nhận các dữ liệu, chứng từ liên quan, để đảm bảo tính khả thi cho NĐT khi lựa chọn cách tính thuế trên thu nhập chịu thuế cả năm, đảm bảo minh bạch, công bằng, thay vì họ có thể chịu thiệt như hiện tại.
Theo Đầu tư Chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo