Thuốc Việt trên con đường giành thị trường trên sân nhà
Lần đầu tiên ngành dược sẽ bắt đầu triển khai quy định GMP - Thực hành tốt sản xuất thuốc với sản phẩm thuốc từ dược liệu. Nhiều quy chuẩn mới cũng bắt đầu được áp dụng sẽ nâng chất lượng thuốc sản xuất trong nước - một trong những bước đi quan trọng nhằm giành 80% thị trường thuốc vào 2020.
Chú trọng dược liệu
Ông Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm OPC, một trong những doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt 2014 vui vẻ cho biết, trong số các sản phẩm của công ty, có đến 90 sản phẩm thuốc từ dược liệu. Ít người biết rằng để có sản phẩm thuốc tốt, OPC đã đầu tư hai vùng nguyên liệu, một ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để trồng kim tiền thảo, ích mẫu và ngải diệp phục vụ nhà máy OPC Bắc Giang. Vùng nguyên liệu thứ hai ở huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông trồng lá vông nem, lạc tiên và lá sen phục vụ nhà máy OPC phía nam. Dược liệu trồng theo mô hình GACP, đầu tư chắc chắn là cao nhưng nông dân vẫn lời hơn nhiều so với trồng lúa, như kim tiền thảo thì lời gấp 5 lần trồng lúa. “Đây là cơ hội để doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành phát triển”- ông Linh nói.
Những ngày đầu 2015 này, không khí của các doanh nghiệp dược đang hết sức náo nức, bởi các chính sách mới, hỗ trợ mới khuyến khích doanh nghiệp Việt sản xuất thuốc tốt cho người Việt sử dụng. Ngoài các vùng nguyên liệu ở Hưng Yên, Quảng Ninh, Sapa (Lào Cai), Bắc Giang, Đắk Nông…, Chính phủ cũng vừa thông báo giao Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch đầu tư triển khai dự án trồng dược liệu, để xóa đói giảm nghèo tại năm huyện nghèo của tỉnh Hà Giang. Mà dược liệu ở đây là trồng theo mô hình GACP, mô hình trồng và thu hái theo tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào cho sản xuất thuốc từ dược liệu.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, để đảm bảo chất lượng thuốc, ngành dược ưu tiên cho thuốc có vùng trồng nguyên liệu ổn định, có giống được định danh. Bao lâu nay, ông Cường đã không giấu giếm mong ước của ngành dược Việt Nam là phát triển và nâng tầm các cây thuốc quý đã có từ ngàn đời của các lương y Việt Nam. “Hàn Quốc chỉ có một cây nhân sâm mà họ làm được như vậy, Việt Nam có đến 4.000 loài cây có thể dùng làm thuốc thì tại sao không thành lập được những CLB cây dược liệu có tiềm năng về doanh thu, xóa đói giảm nghèo cho nông dân các vùng trồng dược liệu”- ông Cường nói.
Cơ hội chiếm lĩnh thị trường
Khi đến thăm và chúc mừng ngành y tế nhân ngày 27.2 năm nay, Trưởng Ban tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh đã bày tỏ sự khen ngợi với các thành tựu mà ngành y tế đã đạt được, trong đó có thành tựu về sản xuất dược phẩm. Từ chỗ phải nhập khẩu hầu hết thuốc chữa bệnh, ngành dược nội địa hiện đã sản xuất được 27/27 nhóm tác dụng dược lý, sản xuất được 11/12 vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc trong nước cũng đang chiếm tới 50% thị phần thuốc phòng và chữa bệnh ở thị trường VN.
Trong chiến lược phát triển ngành dược đến 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ ký ban hành, mục tiêu của ngành dược là chiếm lĩnh 80% thị phần thuốc phòng và chữa bệnh đến 2020. Và theo ông Trương Quốc Cường, Luật đấu thầu 2013 cho phép các thuốc VN đã sản xuất được, đảm bảo khả năng cung ứng, đảm bảo về chất lượng điều trị thì doanh nghiệp không được chào thuốc ngoại khi tham gia thầu. Những chính sách tương tự là cơ hội cho thuốc sản xuất trong nước phát triển. Nhưng có nắm được cơ hội này hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn, sự năng động của từng doanh nghiệp dược.
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo