Thương hiệu mờ nhạt, nông sản khó cạnh tranh
Các mặt hàng nông sản của nước ta có tiềm năng lớn trên thị trường thế giới nhưng do thương hiệu mờ nhạt nên không ít nông sản Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh, giá bán và lợi nhuận thấp dù lượng xuất khẩu rất lớn. Đây là nghịch lý cần lời giải.
Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ có 15% là của Việt Nam. Hiện nay, khoảng 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, cả nước có 964 đặc sản nông nghiệp gắn với 733 địa danh nhưng chỉ có 23 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (2 của nước ngoài và 21 trong nước).
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, trong một cuộc điều tra mới, chỉ có 36/173 doanh nghiệp ngành nông nghiệp có đăng ký thương hiệu trong nước, 5 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu ở nước ngoài. 9/11 tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đăng ký thương hiệu cho 107 mặt hàng, trong đó chỉ có 4 sản phẩm đăng ký ở nước ngoài. 15/58 hội viên Hiệp hội Trái cây Việt Nam đã đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho biết, Việt Nam luôn dẫn đầu về xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều, nhiều loại trái cây như nhãn, bưởi, thanh long… được ưa chuộng trên thế giới nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Vì vậy, hiện 90% nông sản xuất khẩu dạng thô, sau đó được các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và mang thương hiệu của họ.
Thương hiệu nhiều nông sản rất mờ nhạt trên thị trường trong và ngoài nước, khiến năng lực cạnh tranh yếu, không bán được giá cao, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp thấp.
Trên thị trường nội địa, hơn 80% nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Do đó, vấn đề kiểm định chất lượng và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề “nóng”.
Nâng cao chất lượng chế biến
Để nâng cao giá trị xuất khẩu, chúng ta phải quan tâm đầu tư cho khâu chế biến và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, khó khăn trong xây dựng thương hiệu cho nông sản là quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, tự phát.
Trong khi đó, nông sản chưa được đầu tư đúng mức để xây dựng những thương hiệu mạnh, cạnh tranh được trên thị trường. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho nông sản cần có đầu tư bài bản và nhất là sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, việc chưa chú trọng tới chế biến đã làm thiệt hại cho nông sản Việt Nam suốt nhiều năm qua. Ví dụ, cà phê sơ chế đang được bán với giá trung bình 2 USD/kg nhưng sau khi chế biến sâu, một ly cà phê có thể được bán với giá 7 USD.
Song theo ông Nguyễn Viết Vinh, để giải quyết được bài toán nâng cao giá trị nông sản phải thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ… Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho rằng, cần phải có liên kết “4 nhà” để giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Trong đó, Nhà nước có cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để xây dựng các vùng chuyên canh. Các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về kỹ thuật. Thành công của một số thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, mía đường Lam Sơn… là nhờ đã coi trọng đầu tư nâng cao chế biến.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, người tiêu dùng trong nước hiện cũng rất coi trọng thương hiệu khi mua nông sản. Kết quả một khảo sát mới nhất cho biết, 85% số người được hỏi khẳng định chấp nhận trả mức giá cao hơn từ 5% - 10% để mua những mặt hàng có thương hiệu và chất lượng tốt, thậm chí, 50% số người tiêu dùng sẵn sàng trả cao hơn 13% để mua sản phẩm có độ tin cậy cao.
Đoàn Huế (Theo Chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển