Thương hiệu

Nhãn hiệu trong thời đại AI dễ bị xâm phạm hơn

DNVN - Sự phát triển và áp dụng như vũ bão của công nghệ tiên tiến, điển hình là AI, đã khiến nhãn hiệu, với tư cách là một loại tài sản sở hữu trí tuệ quý giá, dễ bị xâm phạm hơn, trong khi nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị nhãn hiệu lại có thể bị bỏ qua.

Hậu Vietnam Motor Show: Isuzu tiếp nối hành trình hướng tới tương lai ngành vận tải và cuộc sống / CEO Trương Ngọc Huy lên tiếng chính thức về chức danh tại DRH Clinic

Thông tin được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo "Tài nguyên nhãn hiệu: Tối đa hoá giá trị và bảo vệ quyền lợi" sáng ngày 28/11 tại Hà Nội. Theo các chuyên gia, nhãn hiệu là một tài sản quý giá, không thể thiếu trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng và nâng cao uy tín trên thị trường.
Ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có nhãn hiệu, đã trở thành công cụ chủ lực giúp doanh nghiệp thiết lập thế độc quyền và bảo vệ lợi ích trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Theo ông Chia Eu Jin, Walter - Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA), thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác tiềm năng từ nhãn hiệu, từ những yếu tố cơ bản như logo, kiểu dáng đến những giá trị lớn hơn khi mở rộng quy mô.
Các thương hiệu lớn như VinFast, Vinamilk, Viettel, FPT... đã ghi dấu ấn sâu sắc trên thị trường quốc tế. Từ 30 thương hiệu quốc gia năm 2008, con số này đã tăng lên 190 vào năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nhãn hiệu, dẫn đến việc bỏ qua tiềm năng lớn từ tài sản này.
Theo ông Huân, mặc dù các thương hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên không ít doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí là bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước.
Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của thương mại điện tử và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền SHTT lại càng trở nên phức tạp khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về SHTT mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ tài sản SHTT và nâng cao giá trị nhãn hiệu và thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phòng trưng bày nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ tại Hà Nội.
Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển và áp dụng như vũ bão của các công nghệ tiên tiến mà điển hình là AI đã dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng về cách thức hoạt động thương mại với thương mại điện tử trực tuyến và không biên giới dần chiếm ưu thế.
Việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT), bao gồm cả dịch vụ xác lập quyền và thực thi quyền ở cả các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, cũng dần thay đổi về cả nội dung và cách thức tiến hành. Điều này khiến cho nhãn hiệu, với tư cách là một loại tài sản sở hữu trí tuệ quý giá, dường như dễ bị xâm phạm hơn, trong khi nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị nhãn hiệu lại có thể bị bỏ qua.
"Chính vì vậy, có thể nói rằng các doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội và cả các thách thức trong việc xác lập quyền nhãn hiệu, nâng cao giá trị nhãn hiệu cũng như bảo vệ nhãn hiệu chống xâm phạm", ông Bắc nhấn mạnh.
Luật sư Lê Xuân Lộc - Giám đốc Sở hữu trí tuệ Công ty Luật T&G cho rằng, việc không chú trọng bảo vệ nhãn hiệu ngay từ đầu có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với xung đột và tranh chấp, làm chậm hoặc cản trở con đường kinh doanh.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động hơn với việc bảo hộ SHTT; cần tận dụng tốt cơ hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vượt qua các thách thức, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Cũng theo các chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp tự bảo vệ thông qua SHTT, việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến SHTT, bao gồm cả dịch vụ xác lập quyền và thực thi quyền ở cả các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, cũng cần thay đổi về cả nội dung và cách thức tiến hành.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm