Tin tức - Sự kiện

Thượng tá CSGT bật khóc, lưu luyến chia tay người dân Hà Nội

Trong buổi chiều tối 31/10, nhiều tài xế sau khi đọc tin tức trên báo, đi qua chốt giao thông cầu Chương Dương đã cố gắng đi chậm lại để được bắt tay người CSGT già trong ca làm việc cuối cùng.

 Người CSGT bật khóc trong thời khắc làm việc cuối cùng

Chiều 31/10, cũng giống như mọi ngày, thượng tá Lê Đức Đoàn (sinh năm 1959, là chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) lại chỉnh tề chuẩn bị cảnh phục để đứng chốt phân luồng giao thông ở phía đầu cầu Chương Dương. Tuy nhiên, hôm nay là ca trực cuối của ông khiến nhiều đồng nghiệp, người dân không khỏi lưu luyến, tiếc nuối người CSGT hiền hậu, thân thương. Với thượng tá Đoàn, gần 40 năm gắn bó trong ngành công an đã có bao kỷ niệm, và ông thực sự tiếc nuối khi phải chia tay mọi người trong nước mắt. 
 
Nhiều đồng nghiệp vui vẻ chào tạm biệt.
 
Hay tin thượng tá Đoàn nghỉ hưu rất nhiều người dân, bạn bè gọi điện hỏi thăm.
 
Ngồi trò chuyện với chúng tôi ở cửa trực ban để chuẩn bị cho ca trực cuối cùng trong sự nghiệp công an, thượng tá Đoàn kể về những tháng ngày điều tiết, phân luồng giao thông của mình. Vốn quê gốc ở huyện Ý Yên, Nam Định, lớn lên thượng tá Đoàn theo học tại Liên Xô cũ (Nga) rồi sau đó về nước vào ngành công an của TP Hà Nội từ năm 1977.
 
Nhiều tin nhắn xúc động của người dân và đồng nghiệp gửi cho thượng tá Đoàn.
 
 
Suốt gần 40 năm với nghề, thượng tá Đoàn cũng gắn bó với cầu Chương Dương gần 20 năm cùng bao kỷ niệm đáng nhớ. Với người dân Thủ đô, người tham gia giao thông qua cầu Chương Dương mỗi ngày, có lẽ không ai còn xa lạ với hình ảnh người CSGT thân thiện này. 
Đôi mắt hiền từ, cử chỉ ân cần và luôn vẫy tay chào khiến nhiều người đi đường bớt mệt mỏi và cảm nhận được đức tính gần gũi của ông. Ngày làm việc cuối cùng, trong lòng thượng tá Đoàn có nhiều cảm xúc khó tả và đan xen bao nỗi niềm khi sắp phải chia tay đồng nghiệp, người tham gia giao thông.
 
Suốt gần 20 năm qua, thượng tá Đoàn luôn gắn bó với cầu Chương Dương thực hiện nhiệm vụ phân làn, điều tiết giao thông.
 
 
  “Với tôi, cầu Chương Dương gắn với bao nhiêu kỷ niệm, là nơi gần 20 năm qua ngày nào tôi cũng đứng chốt phân làn để người dân có thể đi lại bình thường”, thượng tá Đoàn xúc động kể lại. 
Thượng tá Đoàn cho hay: “Trong suốt nhiều năm gắn bó, tôi đã từng cứu sống trên dưới 40 trường hợp có ý định tự tử. Đến giờ phút này, những hình ảnh , khuôn mặt của họ vẫn hằn sâu trong trái tim tôi.
 
Thượng tá Đoàn thân thiện chào người đi đường.
 
Tôi nhớ nhất là kỷ niệm cứu sống một cô gái (quê Nam Định) có ý định tự tử trên cầu Chương Dương cách đây 3 năm. Hôm đó, vào buổi chiều, tôi đang trực trên cầu thì nghe tiếng người đi đường kêu thất thanh có người muốn tự tử và đã trèo qua lan can cầu. Nghe đến đây, sợ cô gái phát hiện ra tôi là công an sẽ hoảng loạn nên tôi vội vẫy một chiếc xe buýt rồi bảo họ chạy theo phần làn đường cho xe máy. Khi cách cô gái đứng tầm gần 5 mét tôi liền lao xuống túm vào tay cô gái, ghì chặt rồi kéo vội vào trong. Sau một hồi thuyết phục, cô gái mới cho biết, do chán nản cuộc sống vợ chồng nên mới định tự tử. Bây giờ vợ chồng cô ấy đã có 2 con lớn, mỗi lần đi qua là lại vẫy tay chào tôi, có lần về quê đi qua đây còn cho tôi vài củ khoai mang từ quê lên khiến tôi vô cùng cảm động”. 
 
Thượng tá Lê Đức Đoàn chào tạm biệt, bịn rịn chia tay người đi đường.
 
 
Hình ảnh người CSGT già bao năm qua luôn được nhiều người dân Thủ đô yêu mến.
 
Đúng 18h, khi trời bắt đầu tối, đèn đường đã sáng lên cũng là lúc thượng tá Lê Đức Đoàn phải chào tạm biệt, chia tay người đi đường. Không ít tài xế taxi, xe buýt, ô tô biết được hôm nay là ngày cuối cùng ông làm nhiệm vụ nên vẫy tay chào rất bịn rịn. Nhiều người lưu luyến, xúc động vì sắp tới không còn được thấy hình ảnh vị CSGT già dầm mưa dãi nắng phân làn nhưng vẫn luôn niềm nở ấy nữa. Nhiều người dân, bạn bè hay tin liên tục gọi điện hỏi thăm và nhắn tin cho ông. 
“Chào em, chào em nhé! Ngày mai anh không còn đứng làm nhiệm vụ ở đây nữa. Anh chúc các em đi đường bình an, hạnh phúc…”, thượng tá Đoàn xúc động bắt tay, ôm chặt người đi đường.
 
Phút giao ca trực khiến thượng tá Đoàn rưng rưng...
 
... và ông bật khóc.
 
 
 
Ông chia sẻ: "Suốt bao năm mưa nắng ngoài đường điều tiết giao thông khiến tôi cảm thấy tự hào".
 
Sau khi bàn giao ca làm việc cuối cùng của mình, đứng bịn rịn một hồi lâu, ông dặn dò các chiến sĩ trẻ rồi vội lau vội những giọt nước mắt tiếc nuối khi phải chia tay các chiến sĩ, người dân. 
Thượng tá Đoàn tâm sự: “Suốt bao năm mưa nắng ngoài đường điều tiết giao thông khiến tôi cảm thấy tự hào. Mỗi ngày hướng dẫn cho người đi đường với tôi là niềm vui, niềm hạnh phúc. Mai kia nghỉ hưu rồi tôi sẽ rất nhớ nghề”.
 
Hơn 18h, ông bàn giao ca trực rồi dặn dò đồng nghiệp trẻ.
 
Về dự định sau này, thượng tá Đoàn chia sẻ: “Tôi thực sự may mắn khi vợ con luôn ủng hộ công việc mình làm. Mai nghỉ hưu rồi chưa biết sẽ thế nào nhưng tôi sẽ cố gắng sống tốt và dành thời gian chăm sóc gia đình, con cháu,”. Thượng tá Đoàn cũng cho biết thêm, vợ ông cũng sắp nghỉ hưu. Sắp tới, ông bà sẽ dành nhiều thời gian bên các con, nhất là đứa cháu nội mới 2 tuổi. Vợ chồng Thượng tá có 2 người con, con trai cũng làm trong ngành công an, còn cô con gái đang học năm thứ 4 ĐH Ngoại thương Hà Nội. 
 
Thượng tá Đoàn ôm chia tay đồng nghiệp.
 
Luôn gọi Thượng tá Đoàn với cách gọi thân mật là “thầy”, thiếu úy Phạm Gia Hợp xúc động cho biết: “Tôi về đây công tác rồi làm cùng thầy được gần nửa năm. Với tôi, thầy luôn là người cha, người chú tâm huyết với nghề. Là người luôn sẵn sàng xung phong trong những nhiệm vụ khó khăn. Giờ thầy nghỉ hưu rồi, tôi cảm thấy có chút hụt hẫng và có cái gì đó thiêng liêng khó nói nên lời”. 
 
Thượng tá Lê Đức Đoàn là công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2013, được Chủ Tịch nước tặng huy chương chiến công năm 2014. Ông được người dân Thủ đô biết đến bởi nhiều hành động cứu giúp mọi người và nhiều hành động đẹp, thân thiện.
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo