Thưởng Tết: “Kẻ khóc người cười”
“Kẻ khóc người cười” là tâm trạng chung của người lao động về lương thưởng Tết được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp từ 63 tỉnh, thành. Bởi bên cạnh mức thưởng Tết Giáp Ngọ 2014 cao nhất cả nước lên tới 709 triệu đồng, cũng có doanh nghiệp không có thưởng Tết cho nhân viên.
Theo ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động và tiền lương, hiện đã có đủ 63 tỉnh và thành phố trong cả nước gửi kết quả báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lương và thưởng Tết 2014 (bao gồm cả tiền thưởng Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ).
Thưởng vài trăm triệu và không có gì
Thưởng Tết Âm lịch năm nay, theo đánh giá từ kết quả báo cáo của các địa phương thì phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định có bố trí tiền thưởng Tết cho người lao động với mức bình quân bằng 1 tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng và tăng 20% so với mức năm 2013).
“Mức thưởng Tết Âm lịch tăng chủ yếu do tiền lương của lao động tăng” ông Tống Văn Lai chia sẻ.
Mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất vẫn là một doanh nghiệp FDI thuộc Tp.HCM với 709 triệu đồng (tăng 9,2% so với mức cao nhất của năm 2013 là 650 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai). Tiếp đó là doanh nghiệp tư nhân, cty cổ phần không có vốn nhà nước với mức thưởng cao nhất là 450 triệu đồng; Doanh nghiệp có cổ phần vốn góp của Nhà nước là 299,5 triệu đồng và công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là 87,5 triệu đồng.
Đối với thưởng Tết Dương lịch, mức cao nhất cũng thuộc về doanh nghiệp FDI của Tp.HCM với khoảng 463,7 triệu đồng, bằng 74,3% mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất năm 2013. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất của doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước là hơn 138 triệu đồng; tương tự với doanh nghiệp có cổ phần góp vốn của Nhà nước là 62 triệu đồng và công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là 46,620 triệu đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp thưởng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng thì cũng có doanh nghiệp không có thưởng Tết cho người lao động. Từ số liệu của các địa phương báo về thì đã có tới 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ và Thanh Hóa thông báo không có tiền thưởng Tết Âm lịch cho lao động.
Tương tự, 296 doanh nghiệp với 256.000 lao động ở 8 tỉnh và thành phố đã không có tiền thưởng Tết Dương lịch. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp không có cả tiền thưởng hai loại Tết.
Theo ông Lai, con số trên vẫn chưa thể phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay. Bởi số lượng doanh nghiệp có báo cáo có hoặc không có tiền thưởng Tết về cho cơ quan quản lý lao động chỉ có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp. Trong khi hiện nay, luật cũng không ràng buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm thưởng Tết mà đây chỉ là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.
Hơn 10.000 lao động bị nợ lương
Còn về tình hình lương của lao động trong năm 2013, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng do nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, giá tiêu dùng được ổn định và Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu nên lương của lao động vẫn có chút tăng.
Theo đó, tiền lương bình quân cả nước ước đạt 5 triệu đồng/tháng (tăng 19,2% so với năm trước). Người có mức lương cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI Tp.HCM với 434,2 triệu đồng. Mức thưởng này cũng chỉ bằng 69,6% so với năm 2012 là 624 triệu đồng/tháng.
Theo lý giải về mức lương tăng chung là do lương tối thiểu vùng năm 2014 được điều chỉnh tăng 15-17%, cũng như chỉ số giá tiêu dùng tăng. Mức lương cao nhất trong khối là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước 239 triệu đồng; Doanh nghiệp có cổ phần vốn góp của Nhà nước là 234,9 triệu đồng và công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là 90 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong số 63 tỉnh và thành phố thì vẫn có tới 22 tỉnh, thành với 79 doanh nghiệp đang nợ lương của 10.168 lao động với tổng mức là 75,7 tỷ đồng. “Nhiều doanh nghiệp vẫn đang trả lao động mức lương khá thấp. Những doanh nghiệp trả tiền thưởng cho lao động cao, nhưng thực ra cũng không phải là tiền thưởng mà có khi là tiền lương nợ của lao động dồn đến cuối năm rồi cộng lại”, ông Lai bày tỏ.
Về thông tin một số doanh nghiệp trả thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm như tương ớt, gạch, giấy vệ sinh, quần đùi..., ông Lai cho biết do trong luật chỉ quy định tiền lương trả cho người lao động bằng tiền mặt, còn các khoản thưởng khác không nêu rõ gồm những gì nên “chế tài xử lý vấn đề này đúng hay không là rất khó. Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp thưởng cho người lao động bằng tiền mặt, thay vì trả bằng hiện vật. Trong điều kiện doanh nghiệp khó quá, có thể thỏa thuận với người lao động”, ông Lai nói.
Theo ông Lai, số liệu trên chưa phải là con số cuối cùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục cập nhật từ các báo cáo của các sở địa phương”, ông Lai nhấn mạnh.
Đưa ra ý kiến về bảng lương thưởng được tổng hợp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hàng năm, khảo sát tiền lương, tiền thưởng hiện nay vẫn chủ yếu là phân theo 4 loại hình doanh nghiệp.
“Sang năm 2014, việc khảo sát sẽ được mở rộng chia thành các nhóm ngành nghề, khu vực sản xuất để đem lại thông tin đầy đủ về tình hình tiền lương, tiền thưởng hàng năm”, ông Đàm khẳng định.
Thời báo Kinh tế Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Cột tin quảng cáo