Tin tức - Sự kiện

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự”

“Vẫn biết rằng đời người ai rồi cũng phải kinh qua cái quy luật: Sinh - lão - bệnh - tử, nhưng khi nghe tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng xúc động và nhớ thương khôn xiết. Đại tướng ra đi đã để lại niềm tiếc thương không chỉ cho nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn cho tất cả nhưng ai yêu quý Đại tướng và yêu chuộng hòa bình trên trái đất này”.

|Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Trong không khí đau buồn, thương tiếc vô hạn về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam xin gửi tới độc giả những kỷ niệm sâu sắc một thời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc. Khi nhận được tin Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp đã ra đi, dù biết trước điều này sẽ đến, nhưng tôi vẫn rất xúc động đến sững sờ. Đại tướng là tổng tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng là một học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng là người anh cả của quân đội ta. Một nhân vật lớn của thời đại.

Tôi thuộc thế hệ sau, được chiến đấu trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam nên tôi có nhiều lần vinh dự tiếp kiến Đại tướng và có những kỷ niệm với Đại tướng, một nhà chiến lược tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam, một kiến trúc sư về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Năm 1975, khi tôi đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư 320B, Quân đoàn 1, từ Tam Điệp hành quân thần tốc vào Đông Hà làm dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng, sau đó hành quân qua đèo Ăng-Bun trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài, đông Nam bộ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì nhận được bức điện của Đại tướng qua đài 15 woat: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ. Sốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng!”.

Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, các chiến sĩ như hết mệt mỏi, được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến. Lúc đó là vào mùa khô hanh. đường Trường Sơn bụi mịt mù phủ lên mọi vật như một lớp tuyết màu đỏ sậm, có những đoạn bụi lầy dầy gần một mét, nhưng khí thế của người lính vẫn hừng hực cùng đoàn quân trùng trùng điệp điệp tiến ra mặt trận.

Với nghệ thuật thần tốc quyết thắng, đánh thẳng vào mục tiêu đầu não của địch từ hướng Lái Thiêu theo trục đường 13, Trung đoàn 27 chúng tôi đã đập tan tuyến tử thủ bắc Sài Gòn, chiếm cầu Bình Phước, đánh chiếm bộ tư lệnh Thiết giáp quân ngụy Gò Vấp và các mục tiêu khác, góp phần cùng quân dân giải phóng Sài Gòn.

Đầu tháng 12 năm 1999, khi tôi đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn thì có một trận lụt “Đại hồng thủy” ở miền trung. Đường bộ bị lũ chia cắt. Đường không gió lớn không đi được. Tôi tổ chức cùng với đại diện của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng đi trên con tàu Đại Lãnh vào Quảng Ngãi để cứu đồng bào. Vì bão to gió lớn, con tàu bị trôi ra biển, mất liên lạc với đất liền nhiều giờ.

Khi được đồng bào cứu hộ vào bãi biển Dung Quất, tôi được các sĩ quan ở Cục Tác chiến thông báo: Trong lúc chúng tôi bị bão cuốn ngoài biển, Đại tướng Tổng tư lệnh liên tục gọi điện vào Bộ Quốc phòng nắm tình hình, hỏi về con tàu chở đoàn chúng tôi. Khi vào bờ thì nối liên lạc được với Đại tướng. Đại tướng tỏ ra rất lo lắng cho tôi và anh em. Nghe tôi báo cáo Đại tướng mới yên tâm. Rồi Đại tướng biểu dương, động viên chúng tôi, hãy mang hết khả năng cùng với lãnh đạo địa phương cứu giúp đồng bào giảm thiệt hại thấp nhất cả người và của. Tối hôm ấy tôi đã trả lời trực tiếp phóng viên chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đại tướng theo dõi lắng nghe và tỏ ra rất hài lòng.

Nhân Dịp tết Nguyên Đán năm 2007, như thông lệ, năm nào tôi cũng dẫn đoàn trung tâm nhiệt đới Việt – Nga vào chúc tết. Đại tướng dặn nên đến vào ngày 29 để có thời gian trò chuyện, vì các ngày khác có nhiều đoàn đến chúc. Khi tôi dẫn đoàn vào, Đại tướng đang mặc quần áo thường phục, bảo chúng tôi chờ để người mặc quân phục. Dù tiếp chúng tôi là cấp dưới, Đại tướng cũng rất trang trọng và chính quy.

Chúng tôi chúc tết Đại tướng xong thì người lấy một tấm bản đồ và một tờ giấy lớn đặt lên bàn. Đại tướng nói về ý định chiến lược trong chiến dịch năm 1972 ở Quảng Trị vì tôi từng chiến đấu nhiều năm ở đó. Đại tướng tỏ ra rất thương tiếc hai vị chỉ huy chiến dịch này là tướng Tư lệnh Lê Trọng Tấn và tướng Chính ủy Lê Quang Đạo đều đã mất. Hẳn vì thế mà người muốn nói những điều thật cần thiết gì đó với tôi. Đại tướng nói những điều rất hệ trọng trong chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật cách đánh mang đến thắng lợi toàn chiến dịch. Đại tướng nói: “Đồng chí ở vị trí chiến lược của Bộ Quốc phòng cần phải biết rõ những vấn đề này để rút ra những bài học kinh nghiệm cho nghệ thuật quân sự Việt Nam…”.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

 

Có thể nói, đó là một buổi gặp gỡ mà Đại tướng đã truyền cho tôi không chỉ lý trí mà còn là những kinh nghiệm quý báu của một vị tướng tài có tâm, một nhân cách lớn của quân đội nhân dân Việt Nam.

Dịp tết Nguyên Đán năm 2008, cũng vào chiều ngày 29, tôi khi ấy vẫn giữ cương vị Chủ tịch ủy ban phối hợp Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga dẫn đoàn đại biểu, có cả các nhà khoa học Nga, vào chúc tết Đại tướng. Đại tướng rất quý những người bạn Nga, nhất là những nhà khoa học và quân sự. Tôi thay mặt đoàn báo cáo tình hình của Trung tâm và chúc tết Đại tướng. Tôi chúc Đại tướng sống lâu trăm tuổi. Đại tướng liền dơ tay ra hiệu, tôi hiểu động tác đó tỏ ý chưa hài lòng với lời chú . Ông không chỉ là một vị tướng tài ba mà con là một trí thức lớn. Tôi liền chúc lại rằng, chúc Đại tướng sống trên trăm tuổi. Khi đó Đại tướng mới tỏ vẻ hài lòng, tươi cười nhận bó hoa tôi tặng.

Đại tướng cùng chúng tôi chụp một bức ảnh kỷ niệm, rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Có người nói tôi sẽ sống 103 tuổi. Đồng chí hãy nghiệm xem có đúng không nhé”.

Sau hôm ấy, tôi đã nhiều lần nói với mọi người về chuyện này. Hôm nay, Đại tướng ra đi đúng tuổi 103. Vẫn biết rằng đời ngươi ai rồi cũng phải kinh qua cái quy luật: Sinh-lão-bệnh-tử, nhưng khi nghe tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng xúc động và nhớ thương khôn xiết. Và điều tôi xúc động nhất vẫn là chuyện Đại tướng đã nói trước được cái tuổi ra đi của mình. Với tài năng và đức độ và thiên tài quân sự, Đại tướng ra đi đã để lại niềm tiếc thương không chỉ cho nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn cho tất cả nhưng ai yêu quý Đại tướng và yêu chuộng hòa bình trên trái đất này.

Tháng 5/2004, tôi được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công tháp tùng và cùng Đại tướng chủ trì khoa học về 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có 150 đoàn khách quốc tế tới dự. Đại tướng nói bằng tiếng Pháp và tiếng Nga. Các bài tham luận đều ca ngợi Đại tướng, ca ngợi quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi nghệ tuật chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bài học cho Việt Nam mà cho cả nhân loại, nhất là các nước độc lập dân tộc đứng lên tự giải phóng giành độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Kết thúc hội nghị, các đoàn vây quanh Đại tướng để chụp ảnh lưu niệm và nhiều người hô vang: Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 103 tuổi của của Đại tướng, tôi đã giới thiệu cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá do nhà sử học người Anh Ceci B. Curey viết về Đại tướng. Tôi cùng ban tư vấn (gồm Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Phan Huy Lê, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Lê Văn Lan) phác thảo tượng của các danh tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung và Võ Nguyên Giáp. Ý tưởng của chúng tôi là trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7 – 5 – 2014) sẽ có một triển lãm về tượng của Đại tướng tại khuôn viên gia đình và một triển lãm ảnh chụp về Đại tướng. Hôm nay dù Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc đó để tri ân Đại tướng.

Thượng tướng – Viện sĩ – Tiến sĩ Khoa học quân sự
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo