Thường vụ QH xem xét giám sát dự án “treo”
Tập hợp những kiến nghị của nhiều cơ quan, bộ ngành và các địa phương trên cơ sở những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong đời sống nhân dân, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề đối với các dự án “treo”.
Thực chất của chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt” là xem xét tổng thể về việc xử lý và sự lãng phí của các dự án “treo” trong thực tế. Sự lãng phí nguồn lực làm tổn thất rất lớn đến nền kinh tế nhưng thường không thấy rõ, ít được các cơ quan quan tâm, xem xét, đánh giá.
Theo thống kê, đến nay, cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với diện tích trên 130.000 ha. Trong đó, có 670 dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với diện tích 48.000 ha; 230 dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với diện tích 14.000 ha; 180 dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị và khu dân cư nông thôn với diện tích 3.900 ha.
Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 283 khu công nghiệp với có tổng diện tích khoảng 80.100ha. Bên cạnh các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập với tổng diện tích khoảng 26.000 ha. Trong 11 tháng đầu năm 2012, các khu công nghiệp đã thu hút được 300 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD và 200 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 2,2 tỷ USD; thu hút 200 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng và 50 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 5.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều địa phương có điều kiện thành lập và xây dựng các khu công nghiệp ở những khu vực đất đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng vẫn tiến hành quy hoạch và đề nghị cho thành lập các khu công nghiệp trên những vùng đất thuận lợi về hạ tầng, đất nông nghiệp bằng phẳng (chủ yếu là đất trồng lúa).
Nguyên nhân chính là do quy định pháp luật về đầu tư còn thiếu chặt chẽ; sự nôn nóng của địa phương trong quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chưa tính toán kỹ nhu cầu sử dụng đất và công tác thẩm định dự án, kiểm tra năng lực, lựa chọn được nhà đầu tư còn lỏng lẻo, nên tình trạng dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai vẫn diễn ra khá phổ biến và trong thời gian dài tại nhiều địa phương, gây lãng phí rất lớn nguồn lực của Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, gây bức xúc trong nhân dân...
Việc giám sát nội dung này nhằm thấy được bức tranh chung về công tác quy hoạch, quản lý các dự án; sự lãng phí lớn trong việc để tồn tại các dự án “treo” trong thời gian dài với số lượng lớn; những bất cập trong công tác cấp phép, quản lý đầu tư. Từ đó, tìm ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng quy hoạch “treo” và dự án “treo”, có cơ sở để sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật liên quan trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, như: Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch...
Một trong những lý do được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chuyên đề này đó là trong những năm gần đây, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa giám sát theo chuyên đề về nội dung này.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo