Thủy điện xả lũ vào dân: Không thể mãi vô can
Phải quy trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư, chủ đầu tư và hậu chịu trách nhiệm. Phải đền bù vật chất cho dân chứ không thể mãi để tình trạng dân chìm trong lũ thủy điện chồng lũ thiên tai như hiện nay.
Bên lề họp tổ QH chiều 18/11, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bày tỏ sự bức xúc khi chứng kiến câu chuyện người dân miền Trung lao đao vì lũ tự nhiên chưa hết, lại bị lũ do xả thủy điện khiến họ suốt đời không thể “ngẩng mặt lên” chứ chưa nói gì tới đời sống phát triển hay giàu có.
Thủy điện xả lũ bất ngờ, lũ chồng lũ
Cơn lũ vượt đỉnh lịch sử hoành hành các tỉnh miền Trung vừa rút đi thì chiều 17/11 một cơn lũ mới lại ập về đã gây nên tình trạng lũ chồng lũ.
Trận lũ mới uy hiếp các khu dân cư ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn hai địa phương này, chiều tối 17 đến sáng 18/11, nước lũ tiếp tục dâng cao trở lại do các huyện vùng cao có lượng mưa lớn kéo dài.
Do mưa lớn kéo dài khiến 22/59 hồ chứa thủy lợi miền Trung - Tây nguyên xả tràn, các hồ khác đạt 60-85% dung tích.
Chỉ tính đến 6h ngày 16/11 đã có 15 hồ thủy điện xả lũ, trong đó 9 hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s như Bình Điền (Thừa Thiên-Huế) 654 m3/s; Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 2.352 m3/s.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, khoảng 10h ngày 15/11, ông có nhận được thông báo thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Tuy nhiên, đến 14h cùng ngày, thì nước lũ đổ về dữ dội khiến chúng ông và chính quyền địa phương không kịp trở tay.
Khi nghe thông tin này, đại biểu Bùi Thị An bày tỏ sự bức xúc. Theo bà đây không phải là lần đầu thủy điện “góp nước” làm lũ tăng cao bất ngờ bởi cách đây ít tháng ở miền Trung bao nhiêu dân bị mất nhà, của cải trôi hết, trách nhiệm không rõ không ai đền bù cho dân.
Trong sáng 18/9 vừa qua, sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm hecta hoa màu của người dân tại thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk) đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Cũng chỉ mới đầu tháng 10 vừa qua thôi,thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 4A, A Vương xả lũ đã nhấn chìm khu vực hạ du trong biển nước.
“Cứ như thế này người dân biết đến bao giờ mới có cuộc sống ổn định chứ chưa nói đến chuyện giàu có, phát triển. Hết thiên tai rồi lại đến thủy điện. Mới đây chúng tôi đã kiến nghị phải tục rà soát tiếp hơn 800 thủy điện còn lại và phải quy trách nhiệm rõ ràng nếu không sẽ tiếp tục sai lầm tiếp theo”, bà An đau xót.
Trên thực tế việc sai lầm tiếp theo có thể xảy ra là không nằm ngoài khả năng. Bởi theo đại biểu Ngô Văn Minh, Quảng Nam thì từ năm 2010 đến nay mới phê duyệt được quy trình vận hành hồ chứa cho 5 công trình thủy điện. Trên 70% các thủy điện vừa và nhỏ chưa có quy trình này. Thêm nữa các quy trình này mới chỉ áp dụng cho mùa lũ chứ chưa có cho mùa kiệt, khiến các dòng sông phía hạ du trở thành những dòng sông chết. Tương tự, chỉ mới có quy trình vận hành đơn hồ chứ chưa có liên hồ.
"Chính những bất cập về quy trình vận hành này mà các thủy điện mạnh ai nấy xả. Trong khi mưa lũ diễn ra triền miên, có dự báo cảnh báo, nhưng vì lợi ích cục bộ, ai cũng giữ nước, không xả từ từ theo tiến độ", ông Ngô Văn Minh nói.
Không thể để nhiều địa chỉ vô can
Chỉ ra một thực tế đáng ngại đo là sự từ chính Thủy điện Sông Tranh 2 ông Minh cho rằng công trình cao 161m, nhưng do quy trình vận hành bất cập và không tuân thủ nghiêm ngặt nên khi nước về 4000m3/giây đã lên tới 166m: "Nếu có vấn đề gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?",
Đại biểu Minh cũng nói thẳng :Việc chấp hành từ lúc quy hoạch, đầu tư xây dựng, đến vận hành hồ chứa các công trình thủy điện vẫn còn đó ngổn ngang những điều day dứt trong lòng đại biểu và cử tri".
Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước, qua cách trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, lại chưa thấy rõ trách nhiệm của mình", ông Ngô Văn Minh bức xúc.
Theo ông Minh, mặc dù phân cấp là xu hướng tất yếu hiện nay để địa phương làm hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn nhưng về mặt vĩ mô, Bộ quản lý về ngành, lĩnh vực phải rà soát. Đã có nhiều bài học về phân cấp cho địa phương tràn lan như sân golf, bất động sản..., khi công luận, đại biểu lên tiếng thì mới vội vàng sửa.
"Với tư tưởng của cơ quan quản lý nhà nước như thế, việc dân chịu thiệt, dân còn kêu trời kể khổ, ĐB còn lên tiếng, sẽ còn tiếp tục dài lâu", ông Ngô Văn Minh nói.
Sau khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình về thủy điện trong buổi thảo luận ngày 13/11 vừa rồi, ĐB Ngô Văn Minh đã bày tỏ sự không hài lòng. Ông nói thẳng "không hiểu Bộ trưởng nói gì" khi ông Vũ Huy Hoàng cho rằng trách nhiệm đối với hiện trạng thủy điện hiện này là của "chúng ta".
Theo đại biểu Bùi Thị An, trách nhiệm này phải là của người phê duyệt, quyết định đầu tư và hậu chịu trách nhiệm và phải đền bù vật chất.
“Không thể có chuyện người đứng ra phê duyệt dự án vô can trong trách nhiệm. Tới đây trong ban hành nghị quyết về thủy điện Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường cần chuẩn bị kỹ hơn. Trong đó sẽ yêu cầu quy rõ trách nhiệm chứ nếu cứ chung chung sẽ không giải quyết được gì. Phải đi đến tận cùng vấn đề. Có thể có nhiều công đoạn nhưng từng công đoạn có chủ thể của nó”, bà An kiến nghị.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo