Thuyền viên Việt Nam được thả: Phút suýt bỏ mạng ở xứ người
Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Phan Xuân Linh ở xóm 2, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An) hai hôm nay đông vui hơn bao giờ hết. Chiều 26/10, dù trời mưa dai dẳng nhưng bà con vẫn kéo tới chia vui khi biết tin con trai ông Linh - thuyền viên Phan Xuân Phương chuẩn bị về, theo tin tức trên báo Vnexpress.
Cuối chiều, khi chiếc taxi chở hai bố con anh Phương tới ngõ, hàng chục người thân ùa tới. Những cái siết tay thật chặt quấn lấy chàng thanh niên, có cả giọt nước mắt vui sướng. Khóe mắt đỏ nhưng anh Phương luôn nở nụ cười kèm theo những lời cảm ơn.
Bà Lê Thị Hòa (59 tuổi, mẹ anh Phương) òa khóc nói: "Mẹ cứ tưởng sẽ không còn bao giờ được gặp lại con nữa Phương ơi. Mẹ mừng lắm, con về thật rồi...". Người mẹ bị tai biến hơn hai năm vừa gọi tên vừa lôi con vào lòng ôm ấp khiến nhiều người xung quanh xúc động.
Anh Phương nhớ lại, vào tháng 3/2012, 29 người đang đi trên con tàu FV Naham 3 mang cờ Oman thì nghe tiếng đạn bay vào thân tàu, mọi người cùng nằm rạp xuống, riêng thuyền trưởng bị bắn chết. Nhóm cướp lên khống chế, trói và bịt mắt từng người rồi nhốt vào một xó, chồng lên nhau.
Để quản lý con tin, nhóm cướp biển phân loại thuyền viên mỗi nước, anh Phương bị nhốt chung cùng hai thuyền viên Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân người Hà Tĩnh.
Theo anh Phương, các thuyền viên ít bị đánh đập, ít phải lao động nặng song bị canh phòng rất cẩn trọng, phải sinh hoạt trong không gian hẹp. Hầu như đêm nào trong giấc ngủ, anh Phương cũng nơm nớp lo sợ vì tiếng súng đạn bay vèo vèo, sợ bị mất mạng lúc nào không hay. Nhớ người thân, nhớ quê hương, nhưng anh không dám kêu, chỉ âm thầm chịu đựng.
"Chúng tôi ngồi hay nằm ngủ đều có người canh phía trước mặt, tay lăm lăm súng. Vì vậy suốt hơn 4 năm qua, thuyền viên hầu như không nghĩ tới chuyện trốn thoát, có nhiều lúc tuyệt vọng, tưởng bỏ mạng xứ người", thuyền viên 27 tuổi kể.
Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngay sau khi nhận được thông tin về việc 26 thuyền viên thuộc tàu Naham 3, trong đó có 3 thuyền viên Việt Nam, bị cướp biển Somalia bắt cóc từ tháng 3/2012 sẽ được thả và đưa về Kenya, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania cử cán bộ sang Kenya hỗ trợ, giúp đỡ và thu xếp các thủ tục để sớm đưa những thuyền viên Việt Nam về nước.
Ngày 23/10/2016, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã tới sân bay Kenyatta đón, động viên các thuyền viên Việt Nam. Nhìn chung, sức khỏe các thuyền viên ổn định và dự kiến sau quá trình kiểm tra sức khỏe, những thuyền viên này sẽ được tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc – UNDP) trao trả cho đại diện Đại sứ quán để thu xếp thủ tục đưa các thuyền viên này về nước.
26 con tin được thả lần này có quốc tịch Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Cướp biển Somali ban đầu bắt giữ 29 ngư dân, nhưng một người đã thiệt mạng trong vụ cướp, 2 người khác "qua đời vì bệnh tật", theo tuyên bố của tổ chức Oceans Beyond Piracy (OBP).
End of content
Không có tin nào tiếp theo