Tin tức - Sự kiện

Tiêm chết 3 trẻ em:Bộ không xử được GĐ bệnh viện

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, khó xử lý được GĐ bệnh viện có y tá tiêm nhầm vắc xin do vướng mắc cơ chế.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y Tế), cho biết, Bộ không xử lý được Giám đốc bệnh viện.

"Giám đốc bệnh viện là trực thuộc sự quản lý của các UBND tỉnh, địa phương chứ không thuộc sự quản lý của Bộ Y tế. Việc xử lý giám đốc bệnh viện phải do Sở Y tế và UBND tỉnh, địa phương", ông Phu nói.

Lọ vắc xin và lọ thuốc gây mê Esmeron và lọ vắc xin vêm gan B.

Liên hệ với ông Trần Văn Thành - GĐ Sở Y Tế Quảng Trị, ông Thành cho biết, về quy trình bảo quản vắcxin là rất cụ thể, nghiêm ngặt, Sở cũng luôn chỉ đạo các bệnh viện tuyến dưới phải làm đúng quy trình.

Ông khẳng định, bệnh viện Đa Khoa Hướng Hóa đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Sở.

Thế nhưng, khi trả lời về trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, ông Trần Văn Thành - GĐ Sở Y Tế Quảng Trị cho biết: "Việc xử lý con người cụ thể phải chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra mới có thể xử lý theo đúng pháp luật, theo quy định cụ thể".

Liên quan tới vụ việc, sau khi bị cơ quan Công an bắt tạm giữ để phục vụ điều tra, Y tá Nguyễn Thị Hải Thuận đã khai nhận và đưa cơ quan điều tra trở lại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa để lấy những lo thuốc tiêm nhầm cho 3 trẻ sơ sinh dẫn đến tử vong, được chôn giấu ở một gốc cây.

Theo khai nhận của y tá Nguyễn Thị Thuận tại Cơ quan điều tra: Thuốc được tiêm nhầm là Esmeron. Theo nhiều người có chuyên môn trong lĩnh vực Y tế thì thuốc gây mê có tác dụng làm giãn cơ. Quá trình gây mê cho bệnh nhân phải có máy móc hỗ trợ trong việc hô hấp và nếu dùng thuốc này tiêm cho trẻ sơ sinh thì sẽ dẫn đến tử vong.

Xét về hình dáng, hai loại vỏ lọ đựng vắc xin viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh và đựng thuốc gây mê Esmeron có kích cỡ gần bằng nhau, cũng có nắp đậy cao su giống nhau; điểm khác nhau chủ yếu là dung dịch vắc xin 0,5ml/ống, trong khi Esmeron chứa dung dịch nhiều gấp 5 lần.

Trước đó, theo nguồn tin từ cơ quan công an cho biết, 3 cháu bé tử vong ở Quảng Trị là do tiêm nhầm thuốc mê có độc tố chứ không phải được tiêm vắcxin.

Chiều 1/4, trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết Công an tỉnh Quảng Trị đã có kết luận về vụ việc.

Theo bản kết luận, cán bộ y tế tiêm cho các cháu bé đã khai nhận tiêm nhầm thuốc do nhìn không đúng lọ vắcxin và cán bộ này cũng không làm đúng quy trình tiêm vắcxin.

Khó xử lý GĐ bệnh viện hai lần trốn báo cáo bắt cóc trẻ

Theo bà Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), mới nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM.

Theo đó, Sở này cho biết đang chỉ đạo xử lý vụ việc liên quan tới giám đốc Bệnh viện Hùng Vương để xảy ra bắt cóc trẻ nhưng hai lần trốn báo cáo.

Tuy nhiên, Bà Hồng khẳng định "Bộ Y tế không thể xử lý được giám đốc bệnh viện vì đó là bệnh viện trực thuộc thành phố, vì vậy trách nhiệm xử lý là thuộc địa phương".

Ngày 20/3, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ mời Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Nguyễn Văn Trương lên Sở để làm việc liên quan đến vụ bé sơ sinh 1 ngày tuổi con của sản phụ N.T.P.T (30 tuổi, quê Trà Vinh) bị đánh cắp tại bệnh viện này.

Theo đó, khi để xảy ra việc mất em bé tại Bệnh viện Hùng Vương, ông Trương đã không báo cáo ngay cho Sở Y tế để có những xử trí kịp thời.

Ngay sau khi phát hiện được GĐ bệnh viện trốn báo cáo, Sở Y tế đã yêu cầu ông Trương báo cáo kỹ lưỡng vụ việc và sẽ xem xét trách nhiệm đối với ông Trương.

Trước đó, chỉ vì thái độ thiếu thiện cảm với bệnh nhân được phản ánh trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Y tế một bác sĩ và điều dưỡng đã bị điều chuyển công tác.

Đó là trường hợp của bà Chu Thị Tuyết Nhung (70 tuổi, ở Việt Yên, Bắc Giang) đã phản ánh trực tiếp với Bộ trưởng về bác sĩ và điều dưỡng có lời lẽ không đúng mực với bệnh nhân, khiến bệnh nhân bức xúc.

Ngay sau khi Bộ nhận được phản ánh, Bộ trưởng chỉ đạo cho Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản thông báo giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã quyết định điều chuyển công tác bác sĩ Nguyễn Thị Huệ và điều dưỡng Nguyễn Thị Ngát.

Bà Hồng cho biết, không nên so sánh với trường hợp y tá bị điều chuyển do có thái độ cáu gắt với bệnh nhân với trường hợp bệnh viện bị bắt cóc trẻ mà trốn báo cáo. Theo bà Hồng, y tá bị điều chuyển là do thái độ, y đức còn đây là vụ việc phức tạp mà không ai mong muốn.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ &trẻ em cho rằng, cần phải xem xét tùy từng tính chất, từng vụ việc để có cách xử lý cho thấu đáo.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo