Chứng khoán

Tiền âm thầm rút khỏi chứng khoán

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán có xu hướng sụt giảm. Nhiều tín hiệu cho thấy việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức đang tác động tiêu cực, thậm chí có dấu hiệu dòng tiền âm thầm rút khỏi thị trường.

Giảm lãi suất nhưng tiền không chảy vào chứng khoán. Ảnh: Hồng Vĩnh

Dòng tiền tạm nghỉ?

Anh Thịnh, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán lớn tại TPHCM cho biết, có rất nhiều khách hàng lớn của anh đang “full margin”, tức dùng 50% tiền vay, 50% tiền thật để đầu tư. Anh cũng chia sẻ thêm có nhiều khách hàng của mình đã có lợi nhuận 40-70% so với số tiền bỏ ra ban đầu. Trong giai đoạn hiện tại, người nhân viên môi giới này tư vấn cho nhà đầu tư chốt lời vì rất có thể thị trường phải điều chỉnh.

Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVS), dòng vốn nóng sau một thời gian dài vận động mạnh đang cho dấu hiệu “muốn tạm nghỉ ngơi”. Kể từ sau hai phiên 25/3 và 26/3 có khối lượng giao dịch kỷ lục (trên 400 triệu cổ phiếu/phiên trên cả hai sàn), thanh khoản đã liên tục đi xuống và chỉ còn duy trì ở mức thấp.

Diễn biến trên thị trường đang trái ngược với kỳ vọng của nhiều người là sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) giảm lãi suất thì dòng tiền vào chứng khoán sẽ nhiều hơn. Ngược lại thị trường cho thấy dường như dòng tiền âm thầm rút khỏi thị trường. Trước đó, giới chuyên gia cũng nhận định sở dĩ dòng tiền vào thị trường lớn là do nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Với đặc điểm đây là dòng vốn ngắn hạn có tính đầu cơ cao, do đó việc thị trường phải điều chỉnh là điều tất yếu.

Khi được hỏi liệu việc NHNN giảm lãi suất có thể làm cho dòng tiền chảy vào chứng khoán mạnh hay không vì lãi suất tiền gửi đã mất hấp dẫn, một chuyên gia trên thị trường chứng khoán nêu quan điểm. Thực tế việc giảm lãi suất của NHNN vào thời điểm hiện nay không được thị trường tài chính kỳ vọng nhiều. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm thêm 1% cũng không thể làm cho dòng tiền thật của nhà đầu tư dịch chuyển vào chứng khoán. Vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm là dòng tiền đổ vào thị trường trong thời gian qua chủ yếu là từ các công ty chứng khoán và ngân hàng cho nhà đầu tư vay. Điều này mang lại rất nhiều rủi ro tiềm ẩn cho thị trường.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS) từng cho rằng tổng lượng tiền margin trên thị trường đang ở mức khoảng 20.000 tỷ đồng. Nếu những tín toán của ông Sơn là đúng thì đây là một con số không nhỏ và tương đương với giá trị giao dịch của 5-7 phiên trên thị trường chứng khoán. Số tiền này có thể làm cho thị trường tiếp tục tăng nếu như giá trị giao dịch liên tục tăng. Tuy nhiên, nếu giá trị giao dịch giảm dần cùng với cổ phiếu thì rủi ro của thị trường sẽ vô cùng lớn.

Băn khoăn gói 50.000 tỷ

Mới đây, tên gọi “gói 50.000 tỷ đồng” cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản do Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố “gây sốt” trong giới tài chính và bất động sản. Theo đó, nội dung cho rằng nhiều nhà băng đang liên minh lại thực hiện chương trình tín dụng này nhằm lưu thông hàng hóa vật liệu xây dựng, giảm tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản, khơi thông dòng vốn vào thị trường xây dựng và tháo gỡ khó khăn cho các dự án dở dang, …

Trên một số diễn đàn chứng khoán nhiều nhà đầu tư vẫn bày tỏ sự hy vọng dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục đổ vào thị trường trong thời gian tới. Họ lý giải chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng có thể ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán vì đây là một con số rất lớn dù có cho vay bất động sản thì một phần nào đó vẫn có thể “chảy” sang chứng khoán. Niềm tin thêm củng cố khi Thủ tướng yêu cầu NHNN đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bơm vốn cho nền kinh tế.

Một nhà đầu tư lâu năm tỏ ra băn khoăn, gói 30.000 tỷ đồng trước đây của NHNN vẫn chưa đi đến đâu. Do đó gói tín dụng lần này chỉ khiến cho thị trường tăng được vài phiên rồi đâu lại vào đấy. Dòng tiền dũng mãnh đến đâu, tham lam đến đâu rồi cũng phải quay về giá trị của nó. Khi dòng tiền bình tĩnh hơn, thông minh hơn chắc chắn sẽ tìm đến những mã cơ bản chính thống, có lợi nhuận tốt thì chứng khoán mới tăng bền vững được. Tuy nhiên, nếu gói 50.000 tỷ đồng được thực hiện một cách minh bạch, hiệu quả, giảm bớt các khâu trung gian thì hoàn toàn có khả thi nhằm giúp cho thị trường bất động sản cải thiện hơn. Khi đó, chứng khoán mới có phản ứng tích cực.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo