Thị trường

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Tránh để doanh nghiệp bị chết oan

(DNHN) Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 đã nêu bật những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó có việc 40.000 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, năng lực dự báo kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: Muốn kiểm soát được tình hình, phải đánh giá chính xác qua những số liệu có khả năng tin cậy cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý tiền vốn, quản lý xã hội … Đặc biệt, tránh để doanh nghiệp bị chết oan

 

Quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng còn chưa gặp nhau

 

 

Thưa, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế nước nhà hiện nay ?

  

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Nói chung là có nhiều khó khăn. Điều này có nguyên nhân từ việc kinh tế thế giới suy giảm, mà Việt Nam là nước đang có độ mở cao, là nước xuất khẩu, nên cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi lưu ý hai vấn đề mang tính nội tại. Một là, những vấn đề tồn tại được tích tụ từ những năm trước, bây giờ nó mới “bùng nổ” ra như vấn đề tham nhũng, bội chi ngân sách, nhập siêu… Thứ hai, đó là những cái mới nảy sinh như nợ xấu, hàng tồn kho, thủ tục hành chính, lợi ích cục bộ…  Vì thế, khả năng phát huy, phát triển của doanh nghiệp có nhiều khó khăn hơn.

 

Có ý kiến cho rằng, chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ đã ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp, ý kiến của ông thế nào?

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Chúng ta đều biết, khi đã chống lạm phát thì phải dùng những biện pháp mạnh. Theo đó, hai giải pháp sẽ được thắt chặt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Hai cái đó thắt chặt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đầu tiên tới doanh nghiệp. Chẳng hạn vốn sẽ ít đi, lãi suất cao lên, khả năng cung cấp vốn, tiếp cận vốn, đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn sẽ chặt chẽ hơn. Và nếu bị “tắc vốn” thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng ngay lập tức. Nếu càng kéo dài, không được khơi thông, khả năng tác động của nó càng mạnh hơn, sâu hơn, khốc liệt hơn.

 

Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều như vậy, ông nghĩ sao ?

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Tôi rất trăn trở! Doanh nghiệp khi đã đuối sức và không được tiếp sức đầy đủ, nó sẽ yếu sâu và tình trạng phá sản, ngừng hoạt động càng nhiều. Đó là một thực tế. Trong cả trước mắt cũng như lâu dài, để giải quyết vấn đề này phải đánh giá một cách đầy đủ. Chẳng hạn, phải phân loại ra, “anh nào” yếu kém thường xuyên và không có khả năng khôi phục, có cứu giúp cũng không sống nổi, thì nên sắp xếp lại và cho rời thị trường. “Anh nào” vì yếu tố khách quan mà bị tồn kho, đọng hàng, hoặc do yếu tố điều hành chính sách, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ … mà bị suy yếu, thậm chí ngừng sản xuất, thì phải cứu họ. Ý tôi là tránh cho số doanh nghiệp này khỏi bị chết oan. Bởi, nếu không cứu sẽ mất đi một lực lượng vật chất lớn cho xã hội; ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước, ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà trước hết là người lao động.

 

 Cầu nội địa giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp áp dụng các chiêu thức giảm giá để tiêu thụ hàng tồn kho (Ảnh chụp tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội)

 

Cầu nội địa giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp

áp dụng các chiêu thức giảm giá để tiêu thụ hàng tồn kho

 

Nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nay lại là người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông quá hiểu cả ngân hàng và doanh nghiệp. Vậy theo ông, mối quan hệ giữa đôi bên đã thực sự nhịp nhàng chưa?

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Nói thật là chưa nhịp nhàng. Bởi vì, về phía ngân hàng, do nợ xấu tăng lên, do khả năng kinh doanh bảo toàn vốn, họ rất chặt chẽ, không nhân nhượng về mặt tiêu chuẩn. Chính vì vậy, số lượng vốn co lại rất nhanh, lãi suất tăng rất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp vì rất nhiều lí do nên tồn kho rất cao, nợ quá hạn, nợ thuế, nợ bảo hiểm nhiều... Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn vay. Vay được nhưng không có lối ra, hàng tồn kho tăng lên, nợ quá hạn nhiều, lỗ nhiều thì cũng chết. Do đó, hai bên không gặp nhau. Còn nếu gặp nhau, hai bên phải có sự bàn bạc, chia sẻ, nhân nhượng. Ví dụ, doanh nghiệp thì làm thế nào để khắc phục, hoặc có những thời hạn, lộ trình để đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng cũng phải giãn thời gian để cho doanh nghiệp vươn lên và có thể trả nợ dần. Giống như phương châm “Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”. Mỗi bên tiến lên, mỗi bên hỗ trợ và cùng nhận thức, cùng mục tiêu thì mới có thể tháo gỡ được.

 

Nên định hướng giải quyết 3 vấn đề lớn

 

Ông đánh giá như thế nào về Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bầy trước Quốc hội vừa rồi ?

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Báo cáo của Chính phủ lần này, theo tôi đã cập nhật nhanh nhất, gần như đầy đủ diễn biến tình hình hiện nay. Nhưng theo tôi, để thực hiện thắng lợi mục tiêu những tháng cuối năm 2012 và năm 2013, nên tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn, chủ yếu liên quan đến công tác điều hành.

 

Thứ nhất, phải kiểm soát được tình hình. Muốn vậy, chúng ta phải đánh giá chính xác tình hình bằng những số liệu có khả năng tin cậy cao trong tất cả các lĩnh vực, kể cả sản xuất, kinh doanh, quản lý tiền vốn, quản lý xã hội và những vấn đề đang bức xúc, nảy sinh... Nếu không đánh giá đúng, nắm sát được tình hình, các số liệu, giải pháp khác nhau, thì khả năng thực thi sẽ rất hạn chế. Đây là vấn đề lớn nhất.

 

Thứ hai, khi đã đánh giá sát được tình hình rồi, có những nhận định tương đối cập nhật, kể cả trong nước và thế giới, thì phải đề ra những giải pháp tương đối toàn diện, cụ thể. Thời gian qua, Chính phủ có định hướng rất tốt, nhưng khi đưa ra những giải pháp thì thường rất lâu, không cụ thể và thiếu sự phối hợp. Vì thế, đôi khi giải pháp vẫn mang tính chất nửa vời, không đi đến cùng để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả.

 

Thứ ba, phải lập lại hoặc thực hiện có kết quả những kỷ cương, kỷ luật điều hành. Đặc biệt là những vấn đề về chế tài xử lý, kiểm tra, kiểm soát. Sau khi giải quyết được, phải có sự tuyên truyền, phổ biến, công khai minh bạch…

 

Tôi nghĩ rằng, nếu giải quyết được 3 vấn đề này, sẽ tạo nên động lực mới, có điều kiện xây dựng niềm tin trong dân và doanh nghiệp.

 

Ông nhận định sao về triển vọng năm 2013?

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Năm 2013 nói chung còn rất khó khăn. Kinh tế thế giới nhiều khả năng vẫn suy giảm xấu; kinh tế trong nước vẫn còn những vấn đề tồn tại cũ, chưa giải quyết được nhiều. Những ý đồ mới mà chúng ta đang hoạch định nhằm tạo nên một nền kinh tế có chất lượng, có tính bền vững cao, mới chỉ đang bắt đầu, chưa thực hiện một cách đầy đủ. Ví dụ như vấn đề tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, vấn đề thể chế… Đây đều là thách thức cho năm 2013. Tôi cho rằng, chúng ta phải có những biện pháp rất cụ thể, lộ trình rất chính xác; tạo nên sự đồng thuận và quyết tâm rất cao, trước hết là trong bộ máy chính trị, sau đó là tập hợp quần chúng nhân dân, đặc biệt là tầng lớp doanh nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới có thể vượt qua những khó khăn trong năm 2013. Nếu điều kiện tốt, định hướng đúng, giải pháp thực hiện phù hợp, chúng ta có thể ổn định được tình hình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, nhân tố mới cho những năm tiếp sau.

 

Xin cảm ơn ông !

“Việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết, nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi xuất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn, sản xuất khó khăn. Tính đến ngày 20-9-2012, cả nước có 51.000 doanh nghiệp được thành lập mới, 40.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động”.

(Nguồn: Báo cáo tình hình KT-XH năm 2012 của Chính phủ)

 

 

Lê Thiết Hùng

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo