Tiền tiết kiệm “bốc hơi” sau 30 năm
Sau hơn 30 năm, chủ nhân sổ tiết kiệm số tiền tương đương 2 chỉ vàng quyết định đi lãnh tiền. Tuy nhiên, kết quả bà nhận cuốn sổ không còn đồng nào.
Đó là câu chuyện lạ lùng của bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) có khoản tiền gửi tại Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa của Ngân hàng Nhà nước VN.
Chưa lấy lãi ngày nào
Năm 1983, theo sự vận động của tổ dân phố nơi sinh sống, bà Thủy gửi tiết kiệm 270 đồng (mệnh giá thời điểm đó) vào Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu, địa điểm lãnh tiền tại Kho bạc Nhà nước ở địa chỉ 368 Bạch Đằng, P.14, Q.Bình Thạnh.
Theo sổ tiết kiệm bà Thủy vẫn còn giữ, số tiền gửi này được chia thành hai lần, lần thứ nhất vào ngày 17-9-1983 trị giá 150 đồng và lần gửi thứ hai vào ngày 1-10-1983 là 120 đồng.
Trong trí nhớ của bà Thủy, số tiền này tương đương năm tháng lương của một công chức và đáng giá tiền sinh hoạt nhiều tháng của một gia đình đông người.
“Vào thời điểm đấy, vàng có giá 120-130 đồng/chỉ nên số tiền đó mua được nhiều thứ. Sinh hoạt hằng ngày cho một gia đình 5-6 người chỉ mất 1-2 đồng. Tiêu chuẩn bán gạo mỗi đầu người chỉ có vài đồng/tháng. Lương của một cán bộ phường chỉ tầm 35-45 đồng/tháng” - bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, tại thời điểm đó không có nhiều người muốn gửi tiền nên phường, tổ vận động bà con gửi tiền tiết kiệm, thấp nhất thì 1 đồng, có người chỉ gửi vài chục đồng.
Riêng gia đình bà Thủy kinh doanh nên cũng có đồng ra đồng vào. Cầm cuốn sổ tiết kiệm trên tay, bà Thủy nói nó được bà giữ cẩn thận trong nhiều năm, nhưng chỉ vì nghĩ mình chưa cần đến số tiền này nên bà cũng không tính đến đi rút.
“Hồi đó, nhân viên ngân hàng đi cùng với tổ trưởng tới tận nhà vận động gửi tiền tiết kiệm để ủng hộ xây dựng đất nước” - bà Thủy giải thích. Khoản tiền gửi từ lúc đứa con đầu của bà 6 tuổi, đến nay bà Thủy lên chức bà nội.
Chỉ còn giá trị kỷ niệm (?)
Ngày 8-10-2014, bà Thủy đến cơ sở Bạch Đằng, hiện là Kho bạc Nhà nước Q.Bình Thạnh, để lãnh tiền tiết kiệm theo quy định lúc bà làm sổ tiết kiệm, nhưng nơi đây cho biết kho bạc không còn có nhiệm vụ này nữa mà hướng dẫn qua “Ngân hàng Công thương ở đường Đinh Tiên Hoàng”.
Theo lời chỉ dẫn trên, bà Thủy tìm đến Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank) trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh. Nhân viên ở đây cho biết đúng là trụ sở trước đây của quỹ tiết kiệm nhưng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sau nhiều biến chuyển, Saigonbank chi nhánh Bà Chiểu chỉ tiếp nhận trụ sở, còn quỹ tiết kiệm, nơi bà Thủy gửi tiền, được chuyển về Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 7 có phòng giao dịch trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh.
Chiều 4-11, bà Thủy đến VietinBank chi nhánh 7 để biết số phận của cuốn sổ tiết kiệm. Tiếp nhận cuốn sổ, cô giao dịch viên khá bất ngờ vì “chưa thấy bao giờ”.
Dù ngả màu vàng nhưng nội dung ghi rõ là sổ tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng. Quy định cũng ghi rõ số tiền gửi ít nhất là 1 đồng, vì vậy số tiền bà Thủy gửi thời điểm đó chắc chắn khá lớn.
Trong phần quy định tiền lãi, tiền thưởng ghi: cuối mỗi năm quỹ tiết kiệm tính lãi và nhập vào vốn của người gửi tiền. Trong khoảng thời gian từ tháng một đến tháng ba năm sau, người gửi cần đem sổ tiết kiệm đến nơi gửi tiền để quỹ tiết kiệm ghi nhập lãi vào vốn.
Đại diện chi nhánh ngân hàng thừa nhận “tại chi nhánh này đã tiếp nhận nhiều trường hợp gửi tiền ngân hàng lâu năm quay lại làm thủ tục, nhưng cũ như trường hợp bà Thủy thì chưa có!”.
Bà Thủy kể: “Cô nhân viên giải thích do năm 1985 Nhà nước có thực hiện đổi tiền theo tỉ giá 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới, nên khoản tiền 270 đồng của tôi còn 27 đồng, không phát sinh lãi gì. Vì số tiền này thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định nên khoản tiền trong sổ bị trừ còn 0 đồng. Sổ hiện chỉ còn có giá trị làm kỷ niệm”.
Theo đại diện phòng giao dịch VietinBank chi nhánh 7, thỉnh thoảng ngân hàng cũng nhận được sổ tiết kiệm cũ, nhưng cuốn sổ này chưa thấy bao giờ.
Những tài khoản giao dịch tại chi nhánh ngân hàng đều được lưu giữ thông tin và có thể tra cứu trên hệ thống.
Trường hợp hơn mười năm, người gửi tiền quay lại rút tiền cũng có, ngân hàng cũng tìm ra được nhưng số tiền chỉ còn vài chục ngàn đồng do lạm phát quá cao, lãi suất thấp nên giá trị đồng tiền giảm.
“Tiền của khách hàng gửi ngân hàng phải trả là điều hiển nhiên, nhưng thực tế có rất nhiều tài khoản ban đầu cũng có thể vài trăm ngàn, nhưng cùng thời gian số tiền đó không còn là bao, sau đó người gửi cũng bỏ luôn” - vị đại diện cho biết.
Lúng túng chi trả
Tháng 10-2010, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn việc chi trả đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ năm 1983-1985.
Trong văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước có lưu ý đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, việc quy đổi sẽ được chia theo giai đoạn, trong đó tiền gửi từ ngày 1-6-1981 đến 31-12-1984 được quy đổi theo tỉ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Như vậy, khoản tiền gửi của bà Thủy sẽ là 45 đồng chứ không phải 27 đồng như nhân viên ngân hàng nói.
Ngân hàng Nhà nước thừa nhận trên thực tế trường hợp gửi tiền tiết kiệm lâu năm là không ít.
Với khoản tiền gửi tiết kiệm từ trước khi hệ thống ngân hàng VN chuyển cơ chế hoạt động từ một cấp sang hai cấp, việc thực hiện chính sách tiết kiệm có nhiều thay đổi nên nhiều tổ chức tín dụng còn lúng túng, chưa thống nhất trong việc chi trả cho khách hàng.
Tiền gửi không đủ tiền phí quản lý (!)
Theo quy định của ngân hàng, toàn bộ sổ sách chứng từ ngân hàng đều lưu lại trong 20 năm, thậm chí lâu hơn. Tất cả khoản tiền gửi có giá trị của khách, ngân hàng đều phải giữ lại hết dù khách không giao dịch thời gian dài, không thể tự tất toán. Tuy nhiên, trường hợp số dư tài khoản dưới mức tối thiểu quy định của ngân hàng và không hoạt động trong thời gian dài thì ngân hàng sẽ tự tất toán vì giá trị không đáng là bao. Chẳng hạn thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng quy định số dư tiền gửi hay thẻ thanh toán không dưới 50.000 đồng. Nếu tài khoản dưới mức này thì ngân hàng sẽ thu phí quản lý, ví dụ 20.000-30.000 đồng/tháng. Trong trường hợp đó, do phí quản lý nhiều hơn lãi nhập vào thì đến một lúc nào đó sẽ trừ hết số dư thì tài khoản sẽ về 0 đồng.
Lúng túng chi trả
Tháng 10-2010, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn việc chi trả đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ năm 1983-1985.Trong văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước có lưu ý đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới.Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, việc quy đổi sẽ được chia theo giai đoạn, trong đó tiền gửi từ ngày 1-6-1981 đến 31-12-1984 được quy đổi theo tỉ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Như vậy, khoản tiền gửi của bà Thủy sẽ là 45 đồng chứ không phải 27 đồng như nhân viên ngân hàng nói.Ngân hàng Nhà nước thừa nhận trên thực tế trường hợp gửi tiền tiết kiệm lâu năm là không ít.Với khoản tiền gửi tiết kiệm từ trước khi hệ thống ngân hàng VN chuyển cơ chế hoạt động từ một cấp sang hai cấp, việc thực hiện chính sách tiết kiệm có nhiều thay đổi nên nhiều tổ chức tín dụng còn lúng túng, chưa thống nhất trong việc chi trả cho khách hàng.
Theo Tuổi trẻ Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Cột tin quảng cáo