Thị trường

Tiến tới làm sạch hệ thống ngân hàng

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2015 sẽ có thêm nhiều thương vụ sáp nhập ngân hàng. Trong giai đoạn 2 tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhiều ngân hàng lớn sẽ phải “ôm” thêm các ngân hàng nhỏ để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là giải pháp phù hợp để làm gọn, sau đó làm sạch hệ thống ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank Chương Dương.

 

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2015, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của khối ngân hàng TMCP Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của sự tham gia này?

 

- Ở các nền kinh tế phát triển, việc mua bán, sáp nhập (M&A) DN nói chung và ngân hàng nói riêng trên cơ sở các ngân hàng tự tìm hiểu lẫn nhau, đánh giá thế mạnh và điểm yếu của hai bên để đi đến quyết định cuối cùng.

 

Còn ở Việt Nam hiện tại, M&A ngân hàng được đặt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống nên về cơ bản, mục đích của việc M&A ngân hàng là không giống với các nền kinh tế phát triển. Theo như tuyên bố của Thống đốc NHNN, thời gian tới, nhiều ngân hàng lớn sẽ “ôm” thêm các ngân hàng nhỏ để trở thành những định chế tài chính mạnh hơn. Tôi cho rằng, đây là một giải pháp phù hợp trong một lộ trình dài hơi. Trước tiên, NHNN sẽ gom các ngân hàng lại với nhau, ngân hàng lớn hỗ trợ ngân hàng bé, làm gọn lại, sau đó sẽ tính đến làm sạch hệ thống. Và tất nhiên, muốn làm gọn hệ thống thì phải chọn các ngân hàng lớn mạnh, đủ sức để hỗ trợ và tiếp nhận các ngân hàng nhỏ và yếu.

 

Thực tế hiện nay, các ngân hàng lớn vẫn tồn tại nhiều vấn đề như nợ xấu, quản trị… Liệu “ôm” thêm các ngân hàng nhỏ và yếu, các định chế này có lớn mạnh như mong muốn của NHNN không, thưa ông?

 

- Như tôi đã nói, mục đích của NHNN trước hết là làm gọn hệ thống. Muốn làm gọn hệ thống thì phải chọn các ngân hàng lớn, có tiềm lực, đủ sức “ôm” các ngân hàng bé.

 

Thực tế, hiện nay, ngay cả các ngân hàng lớn vẫn còn rất nhiều những tồn tại như quản trị hay nợ xấu… Tuy nhiên, cải tổ thì phải qua nhiều giai đoạn. Sau việc loại bỏ các ngân hàng yếu sẽ là làm sạch hệ thống ngân hàng.

 

Ông có những đề xuất nào trong việc thực hiện mục tiêu này?

 

- Muốn làm sạch hệ thống ngân hàng, trước hết các ngân hàng phải hoàn thiện lại chế độ quản trị. Ngân hàng có quản trị tốt, chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế thì mới có thể hoạt động lành mạnh được.

 

Bên cạnh đó, phải xử lý được vấn đề sở hữu chéo. Việc mua cổ phần, cổ phiếu, dùng tiền vay mượn thế chấp… đã tạo ra một dòng vốn ảo chạy lòng vòng trong các ngân hàng, gây nhiều hệ lụy. Theo tôi, chúng ta nên có những nghiên cứu để biết trong hệ thống ngân hàng, bao nhiêu phần trăm là vốn thật, bao nhiêu là vốn ảo để có hướng xử lý.

 

Ông đánh giá thế nào về những khó khăn và thuận lợi của ngành ngân hàng năm 2015?

 

- Năm 2015, ngành ngân hàng sẽ đứng trước những thử thách rất lớn. Trước hết, ngành sẽ đi vào một quỹ đạo mới qua sự tác động của Thông tư 36, qua đó các ngân hàng sẽ phải siết chặt hơn hoạt động tín dụng, tuân thủ các tiêu chí mới để tiến đến các Công ước Basel II, loại bỏ đầu tư chéo, sở hữu chéo và tăng cường thực hiện các chuẩn mực của quản trị DN.

 

Bên cạnh đó, việc giá dầu sụt giảm sâu, Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo nhiều thuận lợi cho quá trình hội nhập và ngoại thương. Nhưng những cơ hội và thuận lợi đó chỉ được nắm bắt khi ngành ngân hàng thật sự khỏe mạnh và được tái cơ cấu một cách quyết liệt. Mong rằng khi khép lại năm 2015, chúng ta sẽ lạc quan để nhìn vào nền kinh tế và ngành ngân hàng hơn là cảm nhận tại thời điểm này về năm 2014.

 

Xin cảm ơn ông!

Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo