Thị trường

Tiền tỷ vào túi ai?

Việc hình thành các bãi xe “lậu” vừa gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng giao thông đô thị, vừa gây thất thu số tiền thuế khổng lồ cho Nhà nước.

Bãi đỗ xe “mọc” nhan nhản trên đất nông nghiệp, đất công là thực tế lâu nay tại khu vực kế cận bến xe Mỹ Đình (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội). Việc hình thành các bãi xe “lậu” vừa gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng giao thông đô thị, vừa gây thất thu số tiền thuế khổng lồ cho Nhà nước. Còn nữa, hàng tỷ đồng đang chảy vào túi ai?

 

Doanh thu khủng

 

Ngay phía sau tường rào bến xe Mỹ Đình là một bến xe “lậu” khổng lồ sôi động suốt ngày đêm. Quy mô bãi xe “lậu” này lớn tới mức, nếu đứng từ các khu nhà cao tầng hoặc nhìn từ tầng hai bến xe Mỹ Đình không ít người nhầm lẫn đó là sân chính kéo dài của bến xe này.
 
 
Chỉ ai nhìn kỹ mới biết, chia đôi đám xe lố nhố ngót cả ngàn chiếc là bức tường rào được xây kiên cố nhằm phân định rõ, trong là đất bến bãi chính quy, ngoài là đất nông nghiệp “hóa”… bãi xe. Vào giờ cao điểm, lưu lượng xe vào ra từ bãi “lậu” tỏ ra không kém cạnh bến xe Mỹ Đình là mấy.


Chủ các bãi xe lậu cho biết, nếu thêm 20.000 đồng/xe/ngày thì sẽ “né” được công an(?!). Trong trường hợp bị công an bắt vì lỗi đổ khách trái quy định thì chủ bãi sẽ lo lấy xe mà chủ xe không phải mất “phí”. Thậm chí, xe không cần có “lốt” trong bến, ra các “bến lậu” vẫn yên tâm hoạt động. Không hiểu lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông huyện Từ Liêm, đội Thanh tra giao thông vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải), đội cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn và chính quyền địa phương có biết việc này?
 

Sau nhiều ngày tìm hiểu tại bãi xe “lậu” này, PV đã được hướng dẫn cụ thể về giá cả cũng như các dịch vụ liên quan đến vận tải, nhà xe được chủ bãi cung cấp “tận răng”.
 

“Anh muốn tìm điểm đỗ xe chứ gì? Qua quán nước chờ lát rồi nói chuyện. Anh có mấy xe, có nhu cầu đỗ trong khung giờ nào. Bãi xe rộng mênh mông, không sợ thiếu chỗ nhưng nếu về buổi chiều thì phải ngoài 18h tối.
 
 
Trước 18h, xe của các hãng về nhiều, sau đó xuất bến hết thì mới có chỗ để nhận xe” – người đàn ông tên Tới điều hành bãi xe ngay sau cổng vào bến xe Mỹ Đình cho biết.
 

Về giá, người đàn ông tên Tới cho biết, nếu đỗ lượt thì trả mức 40.000 đồng/ ngày hoặc 50.000 đồng/đêm. Nếu trả tháng thì chỉ phải đóng mức 1 triệu đồng/xe/tháng.
 
 
Các dịch vụ như sửa chữa, bảo dưỡng, làm lốp, làm điện, rửa xe… đều được phục vụ đầy đủ. Nếu đỗ kín xe, bãi xe này cũng chứa trên dưới 20 ô tô giường nằm. Mà theo như chủ bãi này, không chỉ có ở đây, quanh bến xe Mỹ Đình có tới 7 bãi đỗ xe tương tự.
 

Vòng sang phía cổng ra của bến xe Mỹ Đình, chúng tôi chứng kiến cảnh tấp nập của dòng xe ra vào đổ khách trên một bãi xe “lậu” khác. Bãi này nằm chung vách với bãi xe anh Tới vừa nói trên nhưng được chủ bãi hét giá cao hơn nhiều. Theo đó, đỗ xe là 70.000 đồng/ngày, giá vé tháng là 2.100.000 đồng.
 
 
“Bãi rộng, em nhìn thì biết, giờ là xe vào bến gần hết rồi, cao điểm bãi đỗ được 80 xe giường nằm. Gửi ở đây, có chuyện gì trong bãi thì bãi sẽ lo hết” – nữ chủ bãi tên Vân cho biết. Theo mức giá mà bà chủ bãi xe này đưa ra, dựa trên lượng xe 80 chiếc gường nằm thì doanh thu trên mảnh đất nông nghiệp này lên tới ngót 160 triệu đồng/tháng, tương đương gần hai tỷ đồng/năm.
 
 
Đất công thành nơi… tư lợi?
 

Cách bến xe Mỹ Đình và các bãi xe “lậu” nêu trên không xa là hai bãi xe lớn khác rộng cả ngàn mét vuông nằm kế nhau trong khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
 
 
Việc xuất hiện các bãi đỗ, trông giữ xe quy mô lớn trong khu đất công vốn được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội dành riêng để xây dựng nhà tái định cư đã khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi, phải chăng đất công đang bị chiếm dụng để làm lợi riêng?
 

Trên thực tế, ngày 24/2 vừa rồi, liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Thành – Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ Thăng Long mới có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội xin tiếp nhận quản lý, khai thác chính thức bãi đỗ xe trong khu tái định cư Nam Trung Yên.
 
 
Như vậy, khi liên danh này chưa được sự chấp thuận của thành phố đồng nghĩa với việc khu tái định cư Nam Trung Yên vẫn chưa có bãi đỗ xe nào được thành lập. Vậy, sự tồn tại của hai bãi đỗ xe trong khu tái định cư này thuộc quyền quản lý của đơn vị nào?
 

Có mặt tại bãi xe thứ nhất, được biết toàn bộ xe trong bãi là của doanh nghiệp vận tải Hải Vân. Một bảo vệ tại đây khẳng định đúng nó là bãi xe của Hải Vân. Trong bãi, ngoài cả chục xe khách đang đỗ thì còn có cả một khu sửa chữa hiện đại với nhiều máy móc. Trong xưởng sửa chữa, nhiều nhóm công nhân đang hì hụi với máy móc, dầu luyn đen ngòm.
 

Tại bãi đỗ xe đối diện, phần lớn xe trong bãi là của doanh nghiệp vận tải Mai Linh. Tại bốt bảo vệ của bãi xe này có gắn biển “Sở GTVT Hà Nội; điểm trông giữ ô tô ngày và đêm; Nơi tiếp nhận hợp đồng trông xe ngày và đêm”.
 

Muốn gửi xe tại đây, chủ xe làm hợp đồng với giá gửi xe giường nằm giao động từ 780.000 - 1,2 triệu đồng/xe/tháng. Bên tiếp nhận trông giữ xe là công ty CP thương mại quảng cáo Tân Thành (tiểu khu nhà ở Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình).
 
 
Khi chúng tôi băn khoăn về thời gian bãi xe có thể tồn tại để xem xét ký hợp đồng thì bảo vệ cho biết: “Cứ làm một năm đi, chúng tôi cũng không biết mảnh đất này bao giờ bị thu hồi để xây dựng”.
 

Với sự xuất hiện của hai bãi xe của hai doanh nghiệp là Hải Vân và công ty CP thương mại quảng cáo Tân Thành khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng, đất phục vụ tái định cư của TP Hà Nội đã được chuyển thành bãi đỗ xe?
 
 
Theo GĐ&XH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo