Tin tức - Sự kiện

Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng

“Nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành Ngân hàng năm 2013 rất nặng nề, trong đó trọng tâm là thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tệ và tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Đó là yêu cầu rất cao đối với ngành Ngân hàng được nêu trong Thông điệp đầu năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình.
 
Nhận diện thách thức
 
Xác định năm 2013, ngành Ngân hàng tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh nhận định cần nhận diện khó khăn để tập trung nguồn lực, thậm chí phải hy sinh lợi ích để có thể cùng tồn tại. 
 
Tại Vietcombank, ngân hàng phân loại nợ theo định tính, do vậy nếu doanh nghiệp hoạt động khó khăn, tình hình tài chính sa sút thì họ sẽ “tụt hạng”, điều đó có nghĩa là ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến kinh doanh, lợi nhuận. Bên cạnh đó, năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng là xử lý nợ xấu gắn liền với cơ cấu hệ thống. 
 
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, ông Thanh cho rằng sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa phải tốt hơn nữa, có kế hoạch ngay từ đầu năm. Riêng về giải quyết hàng tồn kho, sự gắn kết giữa hai chính sách này có ý nghĩa quan trọng. NHNN cần sớm phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn, sử dụng vốn hiệu quả để giải quyết hàng tồn kho cho bất động sản và những ngành liên quan như xi măng, sắt thép… 
 
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đẩy mạnh tái cơ cấu và bàn cách giải quyết nợ xấu là 2 vấn đề cần phải thực hiện nhanh, gấp trong Ngành Ngân hàng.
 
Năm 2013 dần mở ra với bối cảnh khó khăn về kinh tế thì chắc chắn chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt hơn nữa trong vấn đề làm sao hỗ trợ để chống lại suy giảm kinh tế. Và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tín dụng nói riêng không phải tập trung vào việc tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế mà phải tập trung vào hiệu quả sử dụng và chất lượng tín dụng của nền kinh tế. Nếu không sẽ là sơ hở cho lạm phát có thể bùng phát trở lại.
 
Tái cấu trúc từ quản trị
 
Tái cấu trúc ngân hàng là nội dung nổi trội thứ hai trong nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2013.
 
Phó Tổng Giám đốc VietinBank Phạm Huy Thông cho biết, trong năm 2013, VietinBank đặt kế hoạch tăng tổng tài sản 15%; tổng nguồn vốn tăng 15%; cho vay nền kinh tế tăng 20% và nợ xấu dưới 2%.
 
Quyết định thay thế Core Banking hồi tháng 10/2012 được kỳ vọng là một trong những đột phá mà VietinBank lựa chọn nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đến năm 2015 là tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa hoạt động, nghiệp vụ, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
 
VietinBank cũng đã hoàn thiện mô hình tổ chức và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực (ORP), từng bước đổi mới toàn diện cách thức tổ chức mô hình hoạt động theo hướng hiện đại có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
 
Quá trình tái cấu trúc VietinBank sẽ có thêm một bước chuyển mạnh, khi từ tháng 1/2013 VietinBank sẽ triển khai giai đoạn 2 của mô hình thẩm định, đánh giá, xếp hạng mức tín dụng và duyệt cấp hạn mức tín dụng đối với từng khách hàng, tập trung theo vùng do trụ sở chính kiểm soát.
 
Tăng vốn cũng là một trong những trọng tâm của kế hoạch đổi mới tái cấu trúc hoạt động của VietinBank, mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Dự kiến trong năm 2013, vốn điều lệ của VietinBank đạt 38,7 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 52 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu dự kiến của cổ đông Nhà nước, đối tác chiến lược BTMU, IFC lần lượt là 64,3%, 20%, 8% đưa VietinBank trở thành ngân hàng có lượng vốn lớn nhất và cơ cấu cổ đông mạnh nhất Việt Nam.
 
Đối với một ngân hàng trải qua “sóng gió” năm 2012 như ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB cho biết khó khăn đối với ngành ngân hàng cũng xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế. Ví dụ như nợ xấu lớn ảnh hưởng tới đầu ra của tín dụng. Muốn tồn tại thì phải có đủ cách để vượt qua, ví dụ như khủng hoảng thì có giải pháp chống khủng hoảng.
 
Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng thì chia sẻ kinh nghiệm của LienVietPostBank sau khi sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện đó là muốn huy động từ dân cư phải chú ý cả nguồn huy động từ vùng sâu, vùng xa. “Những lần đi thực tế ở các tỉnh biên giới, tôi nhận thấy nhu cầu thanh toán biên mậu tại các tỉnh biên giới mà cụ thể tỉnh phía Bắc khá lớn. Do đó, việc xây dựng các sản phẩm phục vụ cho đối tượng này cũng là giải pháp kích cầu. Đây là đối tượng khách hàng mục tiêu LienVietPostBank đang hướng đến trong thời gian tới”, ông Hưởng khẳng định.
 
 
 
 
Nhật Minh (Theo VGPNews)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo