Tiếp tục giảm nhiều giờ nộp thuế cho doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm 2014, ngành thuế đã tích cực triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh danh, nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn thời gian doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục về thuế. Ngành thuế cũng nỗ lực để đạt mức trung bình của nhóm nước Asean-6 là 171 giờ/năm, trong đó cơ quan thuế giảm xuống còn 121,5 giờ.
Trên cơ sở Nghị định 91, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 151 ngày 10/10/2014 hướng dẫn, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2014 và riêng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014.
Phát biểu tại Hội nghị phổ biến về Thông tư 151, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết Thông tư 151 có nhiều nội dung tạo thuận lợi về chính sách thuế cũng như cắt giảm một số thủ tục hành chính thuế để tiết kiệm thời gian và chi phí của người nộp thuế. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên quan đến 4 lĩnh vực là Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và Quản lý thuế. Có nhiều điểm mới trong nội dung của Thông tư 151 lần này, những nội dung truóc đây chưa được quy định thì tại Thông tư này được cụ thể và chi tiết hóa.
Giảm giờ nộp thuế, đảm bảo thu ngân sách
Việc ban hành Nghị định 91 và Thông tư 151 sẽ giúp giảm 88,36 giờ thực hiện khai và nộp thuế của người nộp thuế.
Với việc bỏ quy định đến ngày 31/12 hàng năm, cơ sở kinh doanh phải rà soát tất cả các trường hợp mua trả chậm, trả góp trong năm để khai điều chỉnh giảm mà hướng dẫn việc điều chỉnh vào thời điểm khi thực hiện thanh toán. Thực hiện giải pháp này sẽ giảm được số giờ nộp thuế giá trị gia tăng là 12 giờ/năm.
Cũng theo Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam, việc bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý cũng sẽ giảm được số giờ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 47 giờ/năm; giảm số lần kê khai 4 lần/năm. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tạm nộp hàng quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo năm.
Nếu như trước đây quy định người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống thì thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì hiện tại đã nâng lên mức 50 tỷ đồng trở xuống. Thời điểm kê khai theo quý áp dụng từ kỳ khai thuế giá trị gia tăng quý IV năm 2014.
Với tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số nên có thể thấy phạm vi tác động là khá lớn. Nếu như trước đây nếu làm kê khai theo quý ở mức 20 tỷ đồng thì có khoảng 84% doanh nghiệp nằm trong ngưỡng này, khi nâng lên 50 tỷ đồng thì dự kiến có khoảng 91% doanh nghiệp thực hiện khai thuế theo quý, tương ứng với việc giảm thời gian khai thuế là 29,36 giờ/năm và giảm số kê khai thuế giá trị gia tăng là 8 lần/năm.
Trả lời thắc mắc về ảnh hưởng của Nghị định 91 cũng như Thông tư 151 tới số thu và dự toán ngân sách, đại diện Tổng cục Thuế cho biết Chính phủ cũng đã có những đánh giá tác động về mặt ngân sách, tuy nhiên phạm vi thẩm quyền đưa ra trong nghị định chủ yếu sẽ là gia hạn nộp thuế, kéo dài phân kì nộp thuế, về cơ bản không có tác động lớn.
“Thời điểm Thông tư có hiệu lực là ngày 15/11/2014, với thuế thu nhập doanh nghiệp chúng ta đều biết quyết toán thuế doanh nghiệp năm 2014 thực hiện sang quý 1 năm 2015. Ở đây chỉ liên quan đến thủ tục, luồng tiền vào ngân sách chậm lại khoảng 3 tháng có thể phần nào tác động về mặt thời gian, có chăng cũng chỉ trong giai đoạn đầu, còn lại không có sự ảnh hưởng hay làm giảm thu ngân sách”, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Ưu đãi thuế với doanh nghiệp dệt may
Trước đây doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may bị chấm dứt ưu đãi theo cam kết WTO do đáp ứng tỷ lệ xuất khẩu lựa chọn phương án để tiếp tục được ưu đãi thuế và thông báo với cơ quan thuế theo một trong hai phương án. Nhưng với Thông tư 151 này, cho phép các doanh nghiệp dệt may bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại kể từ năm 2007 tương ứng với các điều kiện ưu đãi thuế mà thực tế doanh nghiệp đáp ứng quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi do thực hiện cam kết WTO.
Trường hợp doanh nghiệp đã lựa chọn phương án chuyển đổi theo văn bản trước đây (không phân biệt doanh nghiệp đã hoặc chưa được kiểm tra, thanh tra thuế), nếu thực hiện chuyển đổi theo hướng dẫn tại Thông tư này có lợi hơn thì doanh nghiệp được phép lựa chọn chuyển đổi lại.
Thông tư 151 cũng quy định rõ doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh theo cam kết WTO đối với hoạt động dệt may theo các văn bản trước đây nếu bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế, tính tiền chậm nộp và doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền phạt và tiền chậm nộp thì không thực hiện điều chỉnh lại.
Với các doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì sẽ được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định.
Cũng liên quan tới nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư 151 bổ sung một số quy định trước đây chưa từng có. Như quy định doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch học, tai nạn, ốm đau; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương