Tiếp tục phân làn đường, hạn chế phương tiện cá nhân
Tiếp tục phân làn đường
Tại cuộc gặp gỡ báo chí về vấn đề kế hoạch tổ chức và quản lý giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012, diễn ra chiều 7/2 tại Hà Nội, ông Hùng cho biết, thành phố đã phê duyệt việc phân làn đường thêm tám tuyến phố nữa, và thời gian tới sẽ chính thức đi vào thực hiện.
“Bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền ở năm tuyến phố phân làn trong năm 2011, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện phân làn trên tám tuyến phố một cách thận trọng và đầy đủ. Đặc biệt, sẽ tập trung vào từng tuyến và làm tuyến nào dứt điểm tuyến đó” – Ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, những tuyến đường sẽ tiếp tục được cắm biển phân làn có các tuyến cao điểm về phương tiện giao thông như Yên Phụ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…
30/4, đường 32 hoàn thành Về đường 32, theo ông Hùng, hiện nay, việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn một vài điểm chưa giải phóng được. Thành phố đã chỉ đạo huyện Từ Liêm phải có trách nhiệm giải phóng mặt bằng phục vụ công trình thi công. Về lý do chậm hoàn thiện, ông Hùng cho rằng, do trong quá trình thi công, nhiều hạng mục trên tuyến đường phải làm chậm lại để nhường cho các tuyến đường trên cao, tuyến đường tàu điện ngầm…. “Đến nay đã cơ bản thông hai tuyến, chỉ còn một số hầm đi bộ do điều chỉnh của tuyến xe điện ngầm nên chậm lại. Dự kiến, đến 30 – 4, tuyến đường sẽ hoàn thiện” – Ông Hùng nói. |
Sẽ có đề án hạn chế phương tiện cá nhân
Cũng trong buổi họp chiều qua, 7/2, ông Hùng cho biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa nhận được văn bản của Bộ Giao thông Vận tải giao cho Sở nghiên cứu, chủ trì lập đề án hạn chế phương tiện cá nhân.
“Đây là đề án khoa học, cần nghiên cứu kỹ, tổng thể nên Sở sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn như Trường Đại học Giao thông vận tải và xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ để xây dựng một cách hợp lý, khoa học”
Xây thêm hai cầu vượt
“Sắp tới, thành phố chỉ đạo xây dựng tiếp hai cầu vượt, một từ đường Lê Văn Lương vượt sông Tô Lịch sang đường Láng Hạ và một trên đường Trần Duy Hưng sang đường Nguyễn Chí Thanh để giảm ùn tắc giao thông ở những điểm giao thông trọng điểm này” – Ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, các điểm giao cắt thường có lượng phương tiện giao thông vượt mức cho phép từ 2 – 4 lần. Riêng các điểm như nút cầu Chương Dương, Lê Văn Lương – Láng Hạ vượt tới 6 lần. Chỉ cần một chiếc xe ô tô quay đầu không đúng quy định hay một vụ va chạm nhỏ cũng dẫn tới ùn tắc cả giờ đồng hồ. “Vậy nên phải xây cầu vượt để giảm ùn tắc” – Ông Hùng nói.
Trước ý kiến việc xây hai cầu vượt ở ngã tư Tây Sơn – Chùa Bộc gây cản trở giao thông, ông Hùng cho rằng, nút giao thông này vốn đã tắc, nay xây cầu vượt để giảm ùn tắc thì phải chịu khó khăn một thời gian. Tuy nó không thuận tiện bằng mọi khi, nhưng với nỗ lực của lực lượng cảnh sát, giao thông vẫn tương đối ổn định.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo