Tiếp tục xuất siêu - Nên mừng hay nên lo?
Hai tháng đầu năm 2013, cả nước xuất siêu 1,68 tỷ USD, cao hơn gấp đôi mức xuất siêu của cả năm 2012. Như vậy, sau nhiều năm nhập siêu, trong năm 2012 và tiếp nối hai tháng đầu năm, Việt Nam bắt đầu xuất siêu. Tuy nhiên, đây có thực sự là điều đáng mừng hay đang ẩn chứa bất ổn gì trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước? Giải pháp nào để có thể xuất siêu bền vững?
Theo Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 19 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2012. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái là dệt may, điện thoại các loại và linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện giày dép, dầu thô… Tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 17,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, xuất siêu cả nước ước đạt 1,68 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, trong hai tháng qua, xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhất là nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến. Trong khi đó, nhập khẩu giảm mạnh ở cả hai nhóm hàng cần kiểm soát cũng như hàng cần nhập khẩu. Ngoài ra, một số mặt hàng nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được nên giảm nhập khẩu, hoặc giá nhập khẩu một số mặt hàng giảm nên giảm giá trị kim ngạch.
Có ý kiến cho rằng, xuất siêu là dấu hiệu đáng mừng sau thời gian dài Việt Nam nhập siêu. Tuy nhiên trong cái mừng này xuất hiện cái lo rất lớn do sản xuất trì trệ, sức mua của thị trường giảm. Công nghiệp chế biến dựa vào nhập khẩu nguyên liệu là chính thì xuất siêu không có yếu tố bền vững. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu được là đáng mừng, nhất là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng sức mua của thị trường không tăng, tín dụng hai tháng tăng trưởng âm nên sức sản xuất trong nước là đáng lo.
Đồng tình với quan điểm này, theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, xuất siêu ngoài lý do giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào do xuất khẩu giảm, còn do tiếp cận tín dụng khó khăn nên doanh nghiệp cũng giảm nhập khẩu nguyên liệu để dự trữ. Hiện các doanh nghiệp ngành thủy sản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ở trong nước là nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến do dịch bệnh, khó tiếp cận vốn vay, diện tích nuôi trồng giảm. Các thị trường xuất khẩu chính thì nhu cầu tiêu thụ giảm, hoặc đang đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá.
Cả năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ tăng được khoảng 1% so với năm trước và dự báo trong quý I.2013 chỉ đạt khoảng 1,15 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những khó khăn về nguyên liệu và thị trường, phải kể đến nguyên nhân thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu khác tuy vẫn tăng về lượng nhưng giá giảm, làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung trong hai tháng đầu năm.
Như vậy, liệu xuất siêu có trở thành xu hướng chung của năm 2013 hay không? Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho rằng, phải căn cứ vào khả năng tiếp tục xuất siêu hay nhập siêu của 2 nhóm doanh nghiệp FDI và trong nước. Doanh nghiệp FDI với các mặt hàng như điện thoại di động, máy ảnh, máy tính... đang có đà phát triển. Do đó, khả năng đóng góp của khối doanh nghiệp này vào tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn cao. Thêm vào đó, doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nên giảm nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, khả năng xuất siêu của Việt Nam năm 2013 vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp trong nước phục hồi sản xuất trở lại thì nhập khẩu sẽ tăng, xuất khẩu của khối này cũng tăng. Cùng thời điểm, các doanh nghiệp FDI sẽ đến ngưỡng công suất nhất định và trở về trạng thái bình thường không tăng trưởng mạnh, gây ra chênh lệch lớn giữa 2 khối doanh nghiệp nữa. Khi đó cán cân thương mại có thể cân bằng hoặc Việt Nam sẽ lại nhập siêu.
Căn cứ vào thực tiễn, để có thể xuất siêu bền vững thì còn hàng loạt vấn đề cần giải quyết như phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa về nguyên liệu, phụ liệu, nghiên cứu tạo mẫu sản phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm…
Quyết Thắng (Theo ĐBND)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Cột tin quảng cáo