Năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tiết kiệm được 1,180 tỷ kWh điện, tăng 133,88% so với năm trước. Tiết kiệm điện đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của người dân và nó đem lại nhiều lợi ích cho người dùng điện.
Năm qua, toàn EVNSPC đã tổ chức liên tục chương trình truyền thông, ký quy chế phối hợp truyền thông với các đoàn thể, đào tạo kỹ năng tuyên truyền tiết kiệm điện cho 11.000 tuyên truyền viên, tổ chức các ngày hội về tiết kiệm điện. Nhờ đó, năm 2014, toàn EVNSPC đã tiết kiệm được 1,180 tỷ kWh, tương đương 2,66% sản lượng điện thương phẩm, vượt kế hoạch EVN giao.
Ông Trần Long Hoa, chủ vườn 1,6 ha thanh long ở TP.Phan Thiết cho biết, năm 2014, gia đình ông đã “dằn túi” hơn 26 triệu đồng nhờ thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong khâu trồng trọt và sinh hoạt gia đình. Điện không xài sẽ hoang phí và tiết kiệm điện là quyết sách mà người nông dân ở Bình Thuận đang thực hiện đồng loạt. Bà Trần Thị Chung (xã Phước Hội, thị xã La Gi) kể, nhờ thay các thiết bị điện tiết kiệm điện và thói quen trong cách dùng điện nên mỗi năm gia đình tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng, số tiền đủ để mua sách, vở cho ba đứa nhỏ đi học.
Trong năm 2014, Công ty Điện lực (PC) Bình Thuận ký hợp đồng tuyên truyền, in hàng triệu cẩm nang, tờ rơi, đĩa CVD về nội dung tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn. Nhờ thực hiện thường xuyên chương trình tiết kiệm điện, năm 2014, sản lượng điện Bình Thuận tiết kiệm được 44,3 triệu kWh, đạt 129% so với kế hoạch, chiếm 2,9% điện thương phẩm.
Kế hoạch năm 2015, EVNSPC thực hiện tiết kiệm 2% sản lượng điện thương phẩm. EVNSPC sẽ tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương, tìm những giải pháp truyền thông về tiết kiệm điện hiệu quả cao, liên kết chặt với đoàn thể để xã hội hóa công tác truyền thông tiết kiệm điện và tổ chức dán nhãn năng lượng đến tất cả đối tượng sử dụng điện.
Cho đến nay, Bình Thuận đã có 7 triệu bóng đèn compact thay thế cho đèn sợi đốt dùng để chong đèn cho thanh long. Đại diện PC Bình Thuận cho biết, việc thay bóng đèn tiết kiệm điện đã làm giảm công suất đỉnh 280MW, tương đương với sản lượng 152, 8 triệu kWh (bình quân 3 vụ/năm và 182 giờ/vụ). Với giá điện 1.388 đồng/kWh thì số tiền điện tiết kiệm khoảng 212 tỷ đồng/năm, giảm đầu tư nguồn điện và lưới điện khoảng 1.267 tỷ đồng, giảm phát thải khí ra môi trường 65.738 tấn CO2/năm.
Đồng Tháp là địa phương nhiều năm liền đi đầu thực hiện chương trình tiết kiệm điện và luôn đạt hiệu qủa cao ở khu vực miền Tây Nam bộ. Cách làm của Đồng Tháp là “mỗi người dân là một thông tín viên về tiết kiệm điện”, chính điều này đã giúp cho ngành điện tiết kiệm được 46 triệu kWh, đạt 132% so với kế hoạch, tương đương 2,82% điện thương phẩm. Trong đó, các cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiệm 2,3 triệu kWh; cơ sở công cộng tiết kiệm 1,4 triệu kWh; công trình an sinh xã hội tiết kiệm 17,2 triệu kWh, sản xuất công nghiệp tiết kiệm 25,1 triệu kWh.
Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… mỗi địa phương đã tiết kiện được 2-4 triệu kWh trong năm 2014. Tiết kiệm điện không chỉ giúp cho ngành điện giảm áp lực về nguồn cung mà còn trực tiếp tiết kiệm cho ngân sách quốc gia và người tiêu dùng hàng trăm tỷ đồng tại mỗi địa phương.
Theo Công Thương