Tiết lộ gây sốc của những nữ "cửu vạn" hàng không
Nhiều sự thật bất ngờ lộ ra khi theo chân tìm hiểu các tiếp viên hàng không đánh chiếm hàng sau mỗi chuyến bay cùng những thủ thuật che giấu tinh vi để qua mặt an ninh của họ.
Thông tin tiếp viên, tổ bay đánh hàng lậu, buôn ngoại tệ trái phép không còn là một điều xa lạ, khi đã có hàng chục vụ việc tổ bay, cơ phó, tiếp viên hàng không... bị bắt giữ hay đình chỉ bay. Thế nhưng, sự việc vẫn tiếp diễn ngày một nhức nhối, tinh vi hơn. Tại sao? Để rộng đường dư luận, đồng thời đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã nhập cuộc nhằm giải mã vấn nạn này.
Những đường bay "sinh lãi"
Thông thường, một tiếp viên chỉ thật sự kiếm được tiền khi lọt được vào danh sách phục vụ trên các đường bay giúp mình sinh lãi, như các tuyến Châu Âu, tuyến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đây là những thị trường tiềm năng, giúp cánh tiếp viên hàng không cải thiện thu nhập đáng kể thông qua những đơn hàng trong nước.
Nếu trước đây hơn 10 năm, những "nữ cửu vạn" xinh đẹp này khoái đánh hàng điện tử, vàng, thuốc lá, ngoại tệ, máy móc thiết bị viễn thông theo suất mua hàng miễn thuế một cách ào ạt, rầm rộ thì hiện nay do cơ chế quản ý chặt chẽ cùng những thay đổi trong phương thức giao dịch, mua hàng nên nhiều tiếp viên chuyển sang buôn mỹ phẩm.
Để có tên trong danh sách bay các tuyến "nhạy cảm", có nhan sắc xinh đẹp, vẫn chưa đủ. Đa số đều phải có mối quan hệ thân tình với "người quyết định" ở đoàn tiếp viên, bộ phận phân chia lịch bay cùng cơ trưởng của các chuyến bay quốc tế. Sau khi vào được danh sách bay này, tiếp viên mới bắt đầu trổ tài chinh chiến trong hành trang tìm kiếm lợi nhuận.
Đường bay Châu Âu, Nhật, Hàn luôn là niềm mơ ước của tất cả cánh tiếp viên hàng không, vì ngoài thời gian bay dài, số giờ bay được quy đổi cao, được du lịch nhiều quốc gia trên thế giới thì cánh tiếp viên còn có cơ hội lớn tham gia vào các đường dây vận chuyển hàng hoá về nước để tiêu thụ. Sau thông tin nữ tiếp viên BN bị bắt giữ, nhiều tiếp viên vẫn thản nhiên cho biết "kệ thôi, chứ tụi này vẫn miệt mài cày có sao đâu".
Buôn tập thể
Nữ tiếp viên HV còn bật mí: "Ít khi tụi này đánh hàng nhỏ lẻ và tuỳ tiện lắm. Luôn có sự hướng dẫn, dắt mối của đàn anh, đàn chị. Thang giá thì đã có sẵn, cứ tuỳ tuyến mà tung hàng gì ra thôi". Một điều đặc biệt đối với cánh tiếp viên là do tính chất quy định kỷ luật trên chuyến bay, cơ trưởng là người có tiếng nói mạnh nhất, nên đã có không ít phi vụ được họ chọn thực hiện sau khi đã báo cáo với cơ trưởng. Những chuyến buôn tập thể vì vậy cũng hình thành. Nhanh chóng chuyển thành mạng lưới để chia nhau lợi nhuận.
Nếu thị trường Châu Âu nổi tiếng với các mặt hàng mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang hàng hiệu.... thì thị trường châu Á trỗi dậy với các tuyến bay Nhật, Singapore, Hàn Quốc chuyển về các mặt hàng hàng điện tử nhỏ gọn, đắt tiền như iPhone, iPad, ống kính máy ảnh... và các loại có đơn giá lên đến hàng chục ngàn USD/cái. "Tập trung nhất vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, hai quốc gia "thiên đường" của mỹ phẩm, quần áo,trang sức, sâm và thực phẩm chức năng", MT một cựu nam tiếp viên hàng không cho biết khi hướng dẫn chúng tôi xâm nhập địa điểm mua bán, trao đổi hàng theo chân cánh tiếp viên hàng không.
Trở thành tiếp viên hàng không, mang hình ảnh quốc gia trong hành trình bay, thế nhưng đã có không ít tiếp viên gia nhập đội ngũ này chỉ với tâm lý được tham gia vào những phi vụ ăn hàng theo đơn, tuyến chứ không vì màu cờ sắc áo quốc gia. Họ thậm chí còn mang theo người cả danh sách hàng hóa trên tuyến bay của mình để tiếp cận thị trường.
Áp lực chung chi
Trên các chuyến bay, nhiều trai xinh, gái đẹp tiếp viên chỉ mong chuyên cơ hạ cánh, lao về khách sạn tắm rửa là phi ngay ra trung tâm thương mại, shop hàng, chợ mua sắm để thu thập đơn hàng. Sau khi đã tập kết đủ quân số, chọn nhãn hiệu (đối với sản phẩm áo quần, điện tử), màu sắc (mỹ phẩm), lập tức có cả một đội quân chuyên chở của nước sở tại giúp họ chuyển hàng về khách sạn. Tiếp viên Việt cứ thế mà đủng đỉnh cất gói, chẻ hàng theo tôn chỉ nhét càng nhiều càng tốt, hòng kiếm lợi nhuận sao cho cao nhất theo đúng quy định hành lý cho phép của một tiếp viên hàng không.
Để có đất sinh tồn (tức lọt vào danh sách được bay) trên các tuyến danh giá này, nhiều tiếp viên hàng không phải đánh đổi nhiều thứ. Tuy nhiên, chúng tôi đề cập đến chuyện này để vạch rõ: chính những áp lực chung chi ngầm trong giới tiếp viên đã góp phần hình thành những cá nhân, đường dây nhận xách hàng, buôn mỹ phẩm thô bạo, quy mô lớn bất chấp mọi quy định như hiện nay.
Tất cả nhằm nhanh chóng thu lãi, bù vào những khoản đã chót chung chi. Anh Vinh, tâm sự sau khi bỏ nghề vì những áp lực, nhận ra sự cạnh tranh khốc liệt của các đồng nghiệp nữ chung lộ trình bay Châu Âu. Và những kiện hàng, sau khi sang chiết, được cả đoàn tiếp viên "chung tay" tuồn về. Họ tận dụng khoảng trống cho một người để lèn hàng. Về đến hải quan tại Việt Nam, nhiều cô tiếp viên tự tin cho biết "là sân nhà, không việc gì phải xoắn"!
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo