Xã hội

Tiết lộ quá trình cướp biển Somalia thả thuyền viên Việt Nam

(DNVN) - Để giải cứu con tin, các nhà đàm phán đã làm việc với các trưởng lão thị tộc ở Somalia để thuyết phục cướp biển chấp nhận một số tiền tương đối nhỏ, coi như là chi phí cầm giữ tù nhân.

Leslie Edwards, người đã đàm phán giải cứu 26 thuyền viên châu Á khỏi cướp biển Somalia, nắm rõ các mánh khóe hải tặc dùng để đòi tiền chuộc cao, theo tin tức trên báo Vnexpress.

Cướp biển Somalia đứng trước một con tàu mà họ cướp năm 2012. Ảnh: AP

Cướp biển Somalia hôm 22/10 thả 26 thủy thủ châu Á bị bắt giữ tại Ấn Độ Dương cách đây 4 năm rưỡi, trong đó có 3 thuyền viên người Việt. Để giải cứu con tin, các nhà đàm phán đã làm việc với các trưởng lão thị tộc ở Somalia để thuyết phục cướp biển chấp nhận một số tiền tương đối nhỏ, coi như là chi phí cầm giữ tù nhân trong 1.672 ngày, theo NYTimes.

Các nhà đàm phán không tiết lộ số tiền, mặc dù họ nói rằng khoản đó "không là gì" so với số tiền cướp biển ban đầu yêu cầu. Một công ty luật Anh đã giúp gây quỹ, và nhiệm vụ giải cứu được điều phối bởi Ocean Beyond Piracy, một dự án của một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ.

Trong khi đó, Bile Hussein, người đại diện của hải tặc, nói rằng khoản tiền chuộc là 1,5 triệu USD, nhưng chưa thể xác thực được con số này. Cơ quan ngoại giao Đài Loan thì cho biết ngoài quỹ quốc tế nói trên, chủ sở hữu tàu Naham 3 là một công ty Đài Loan cũng trả một phần khoản tiền chuộc, theo Focus Taiwan.

NYTimes đưa tin người đàm phán trưởng với cướp biển là Leslie Edwards. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm cố vấn đàm phán con tin chuyên nghiệp. Ông đã đối phó với những kẻ bắt cóc trên toàn thế giới, giúp giải cứu nhân viên cứu trợ ở Iraq, các nhà báo ở Afghanistan, chủ công ty dầu ở Nigeria và con cái các doanh nhân giàu có ở Mỹ Latin.

"Nhiều tên cướp biển Somali rất khôn khéo và quyết liệt khi đàm phán, họ sẽ nhanh chóng tận dụng lợi thế nếu họ nắm được thóp của bạn", ông Edwards nói. "Bạn phải cứng rắn, nhưng đồng thời bạn phải cho thấy bạn hiểu rõ quá trình đàm phán".

 

Ông Edwards cho biết cướp biển Somalia thường ít tàn nhẫn hơn so với các băng nhóm bắt cóc ở Iraq. "Ở Somalia, trong số khoảng 150 con tàu bị cướp thì chỉ có vài trường hợp ngược đãi nghiêm trọng và tra tấn, thường chỉ khi xảy ra vấn đề gì đó".

Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngay sau khi nhận được thông tin về việc 26 thuyền viên thuộc tàu Naham 3, trong đó có 3 thuyền viên Việt Nam, bị cướp biển Somalia bắt cóc từ tháng 3/2012 sẽ được thả và đưa về Kenya, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania cử cán bộ sang Kenya hỗ trợ, giúp đỡ và thu xếp các thủ tục để sớm đưa những thuyền viên Việt Nam về nước.

Ngày 23/10/2016, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã tới sân bay Kenyatta đón, động viên các thuyền viên Việt Nam. Nhìn chung, sức khỏe các thuyền viên ổn định và dự kiến sau quá trình kiểm tra sức khỏe, những thuyền viên này sẽ được tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc – UNDP) trao trả cho đại diện Đại sứ quán để thu xếp thủ tục đưa các thuyền viên này về nước.

26 con tin được thả lần này có quốc tịch Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Cướp biển Somali ban đầu bắt giữ 29 ngư dân, nhưng một người đã thiệt mạng trong vụ cướp, 2 người khác "qua đời vì bệnh tật", theo tuyên bố của tổ chức Oceans Beyond Piracy (OBP).

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo