Tiêu dùng

Doanh nghiệp lữ hành khốn đốn trước việc hoàn tiền lại 100% cho khách

DNVN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xu hướng khách hoãn, hủy tour tiếp tục gia tăng, kể cả những địa điểm chưa có ca dịch, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành gặp gặp áp lực về thanh khoản khi phải hoàn tiền lại 100% cho khách.

Đường bay Vân Đồn – Đà Nẵng hoạt động trở lại từ ngày 30/7/2020 / Đà Nẵng: Tình hình hàng hóa tương đối ổn định, chưa có dấu hiệu găm hàng, tăng giá bất hợp lý

Điêu đứng vì hoàn 100% tiền cho khách hủy tour

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thay đổi từng giờ. Từ ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng được công bố ngày 25/7, liên tiếp những ngày sau đó số lượng tiếp tục gia tăng và lan ra các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk,… Không chỉ các tour đến vùng dịch bị hủy nhanh chóng, mà tour đi các địa phương khác cũng bị khách hàng hủy vì yếu tố an toàn sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết cuối tuần này, lớp của con chị có buổi tổng kết dã ngoại cuối năm học ở thành phố Vũng Tàu nhưng các phụ huynh đã quyết định hủy vì lo ngại dịch Covid-19.

Tương tự, anh Phạm Minh Quốc (ngụ quận 7, TP.HCM) cũng cho biết anh và một số người bạn có kế hoạch đi Phú Quốc du lịch vào đầu tuần tới, đã đặt vé máy bay và khách sạn nhưng đã hoãn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay...

Đồng loạt các địa phương đều áp dụng các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Các điểm danh thắng, di tích đều tạm đóng cửa. (Ảnh: HC)

Đồng loạt các địa phương đều áp dụng các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Các điểm danh thắng, di tích đều tạm đóng cửa. (Ảnh: HC)

Theo đại diện các công ty du lịch, dịch Covid-19 lan nhanh ra một số địa phương đã tác động rất lớn đến tâm lý của khách du lịch. Khách đang đi tour lập tức kết thúc sớm, khách đặt tour trong tháng 8 đồng loạt hủy tour, hủy dịch vụ khiến các công ty du lịch đau đầu khi phải giải quyết hoàn lại hợp đồng đặt cọc.

Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Thiên Long (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, trước tình hình dịch bệnh lan rộng như hiện nay, việc doanh nghiệp lữ hành cần làm lúc này là xử lý yêu cầu hoãn, hủy tour để bảo đảm an toàn cho khách.

“Có đến 95% số tour của công ty bị hủy, hoãn những ngày này. Một số tour sát ngày khởi hành thì khách chọn đến những nơi không có dịch. Chúng tôi thuyết phục khách chuyển sang thời gian thích hợp nhưng phần lớn họ hủy tour, không muốn đi nữa”, ông Tùng rầu rĩ nói.

Ông Tùng chia sẻ thêm, việc hủy tour của khách du lịch là chính đáng. Thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành trong lúc này là điều tất nhiên. Có điều, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, giữa khách hàng với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với đối tác, các cơ quan chức năng, hiệp hội cần có sự thông cảm chia sẻ những thiệt hại lẫn nhau.

 

Xu hướng khách hoãn, hủy tour tiếp tục gia tăng ở những điểm đến chưa có ca nhiễm Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp du lịch gặp áp lực về thanh khoản. (Trong ảnh: Công ty Thiên long tổ chức cho tour du lịch cho khách trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).

Khách hoãn, hủy tour tiếp tục gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp gặp áp lực về thanh khoản. (Ảnh: Công ty Thiên Long tổ chức tour du lịch cho khách trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).

“Khi khách hàng hủy tour thì họ muốn hoàn lại tiền cọc. Điều này sẽ kéo theo các đơn vị lữ hành buộc phải hủy đặt cọc với dịch vụ lưu trú, vận tải, ăn uống, hàng không... Vấn đề giữa các doanh nghiệp phát sinh từ đây. Cụ thể, đơn vị lữ hành đang ở thế kẹt giữa hai đầu, khách hàng hủy tour đòi 100% tiền cọc với lữ hành thì chỉ một đầu mối, trong khi lữ hành phải hủy đặt cọc hàng loạt dịch vụ nhưng không phải nơi nào cũng “rộng lòng” chia sẻ hoàn tiền cọc, nhất là dịch vụ hàng không, không bay coi như mất”, ông Tùng lý giải khó khăn.

Cũng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, ông Bùi Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Công ty Du lịch Long Tiến (quận Tân Phú), ngậm ngùi cho hay, du lịch vừa mới có dấu hiệu phục hồi tốt chưa lâu, thì Covid-19 tiếp tục ập tới. Khách đồng loạt hủy tour, doanh nghiệp du lịch nói chung đều méo mặt, nhưng khổ nhất vẫn là doanh nghiệp lữ hành vì đã ứng tiền cọc trước cho các dịch vụ liên quan.

 

Doanh nghiệp cần hỗ trợ hoàn tiền hủy tour

Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, nhiều khách sạn, nhà hàng cũng đang khốn đốn vì phải hoàn cọc 100% cho đối tác. Tuy nhiên, theo các đơn vị này, trong tình cảnh hiện tại họ chấp nhận hoàn tiền bởi các đơn vị điều có khó khăn và tinh thần chia sẻ lẫn nhau cũng cần hơn lúc nào hết.

Anh Thanh Sang, quản lý một khách sạn 4 sao trên địa bàn quận 1 cho biết, trong lúc khó khăn càng cần thể hiện tình người, lòng nhân ái, hơn nữa ở đây là các đối tác, khách hàng của mình thì cần phải rộng lượng hơn.

“Tất cả các hợp đồng đặt cọc của doanh nghiệp lữ hành đều được đơn vị giải quyết hoàn cọc 100%. Mình khó thì đối tác cũng khó, trong khó khăn hiểu nhau, chung tay chia sẻ là điều nên làm, để cùng vượt qua trong tình hình lúc này”, anh Sang nói.

Covid-19 lại bùng phát khiến nhiều địa điểm du lịch vắng lặng.

Covid-19 lại bùng phát khiến nhiều địa điểm du lịch vắng lặng.

 

Với tình hình hiện nay, khi dịch bệnh lan rộng hơn, không những tour đến khu vực có dịch, tour cho mùa hè mà hàng loạt sự kiện ẩm thực, lễ hội cũng bị hủy trên diện rộng. Điều này khiến cho các công ty lữ hành phải chịu áp lực hoàn tiền cho khách, vì họ cũng không được hoàn trả các khoản đã ứng trước đặt cọc thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ như nhà xe, cơ sở lưu trú.

Và để chia sẻ những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp lữ hành đang gặp phải, mới đây bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có văn bản đề nghị Sở và Hiệp hội du lịch các địa phương vận động doanh nghiệp, các nhà cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn đồng thời hoàn tiền lại cho doanh nghiệp lữ hành của thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hành.

Theo bà Khánh, khi hủy tour, đa số khách yêu cầu công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số người đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp. Điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng không được trả lại các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, hàng không…

“Do đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại; không phạt hủy, hoãn, đồng thời hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng”, đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết.

 

Doanh nghiệp du lịch khó gượng dậy sau làn sóng Covid-19 thứ 2

Ước tính sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM dựa trên báo cáo của 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố cho biết, đã có hơn 30.000 khách hàng huỷ tour vào ngày 26 và 27/7, dù trước đó 1 ngày không doanh nghiệp nào thông báo hủy.

Dẫn đầu là Vietravel với hơn 20.000 khách hàng, kế đến là Lữ hành Saigontourist với hơn 10.000 khách hàng. Các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng như BenThanh Tourist, Lữ hành Fiditour… cũng hơn 5.000 khách hàng.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, tâm lý lo sợ dịch bệnh của khách hàng khiến các tour du lịch ở những địa phương khác như Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang… cũng bị vạ lây. Trong khi, mùa hè là mùa cao điểm du lịch chỉ còn khoảng 1 tháng.

 

Theo đánh giá của Sở Du lịch TP.HCM, đợt dịch bùng trở lại lần này tác động tới các doanh nghiệp lữ hành rất lớn vì hầu hết doanh nghiệp chỉ vừa quay lại hoạt động, chưa có doanh thu sau thời gian thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lo ngại, sẽ có nhiều doanh nghiệp khó gượng dậy sau đợt dịch thứ hai này.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm