Tim Cook đã phá hỏng Apple?
Theo kế hoạch, Apple sẽ công bố kết quả kinh doanh quý vào đêm nay, sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa. Tuy nhiên, khác với thường lệ, giới đầu tư chẳng ai dám kỳ vọng nhiều.
Cụ thể, tất cả các dự báo tăng trưởng đều chỉ giới hạn ở một chữ số mà thôi. Giới phân tích ước tính trong 3 tháng đầu năm 2014, Apple chỉ bán được khoảng 38-39 triệu iPhone, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi iPad bán được 20-22 triệu máy, tăng 8%. Doanh thu dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng vẻn vẹn 1% so với năm 2013.
Họ cũng nhất trí đồng thanh gọi Apple là "câu chuyện của nửa cuối năm". Các sản phẩm mới chỉ được giới thiệu vào cuối năm, còn nguyên cả quãng thời gian đầu năm là sự im lặng đến tẻ nhạt. Người dùng cũng không thể quen nổi với ý nghĩ Apple đã trở thành một hãng chỉ biết "cải biên các dòng sản phẩm hiện có", thay vì sáng tạo và đột phá đầy táo bạo như trước đây.
"Apple không cần phải như vậy, càng không nên như vậy", tờ Business Insider bình luận.
Với sự trì trệ này, Apple nên chẩn bị sẵn tinh thần chứng kiến đà tăng trưởng của mình khựng lại trong thời gian tới. Hãng cần phải đa dạng hóa các dòng sản phẩm hiện hành hoặc tung ra các hạng mục sản phẩm mới sớm nhất có thể, nếu như không muốn chứng kiến mình tụt dốc. (Từ tốc độ tăng trưởng gần 60% trong Q1/2012, Apple gần như chỉ còn tăng trưởng bằng 0 trong quý 3/2013).
Hai trụ cột kiếm tiền chính của Apple là iPhone và iPad đều giảm tốc rõ rệt. Tất cả những dấu hiệu này hiển nhiên không có gì lạc quan cho Tim Cook. Ông ngồi lên chiếc ghế Tổng giám đốc Apple vào năm 2011, khi tăng trưởng của Táo khuyết phải nói là bùng nổ. Nhưng ngày nay, Táo khuyết chỉ còn đi ngang. Vấn đề là chuyện này không hề xảy đến đột ngột, bất ngờ mà có quá trình hẳn hoi.
Người ta đã hoài nghi từ lâu về việc Apple suy giảm tăng trưởng là do Cook, nhưng nay thì đã đến lúc phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc rằng Cook đã điều hành Apple hoàn toàn sai lầm.
Cook hứa hẹn sản phẩm mới sẽ xuất hiện "rải rác trong cả năm 2014", nhưng cho tới nay, câu chuyện "nửa cuối năm" lại lặp lại. Từ nay đến lúc đó, các quý kinh doanh của Apple sẽ tiếp tục ì ạch và ngay cả tăng trưởng một con số cũng đã là may mắn. Tốt nhất là Cook đừng để tình trạng Apple tăng trưởng âm trước khi sản phẩm mới kịp ra mắt, bởi nhiệm vụ của ông là phải duy trì đà tăng trưởng mà Apple có sẵn, chứ không phải đào mồ chôn Táo khuyết.
Lý do mà iPhone kinh doanh không như ý không hề khó nhận thấy. Apple vẫn cứng đầu bán một chiếc điện thoại với màn hình "tí hon" nếu so với các đối thủ đầu bảng khác, trong khi giá bán lại thuộc tốp đắt nhất.
Hẳn Cook cuối cùng cũng đã nhận ra điều này. Một tài liệu nội bộ của Apple đã thừa nhận người dùng muốn những thứ mà iPhone không có, đó là màn hình lớn hơn và giá rẻ hơn. Đại địch của Apple - Samsung, đã bắt tay vào sản xuất smartphone cỡ lớn ngay từ năm 2011, cùng thời điểm nhậm chức của Tim Cook. Dù mẫu điện thoại đầu tiên còn nhiều khiếm khuyết và chưa thành công lớn, nhưng nó vẫn cho thấy đủ triển vọng để Samsung "thừa thắng" phóng to màn hình hơn nữa. Cứ như vậy, cho tới khi hãng tìm được kích cỡ vàng 5-inch mà người dùng yêu mến.
Apple luôn tự hào rằng mình sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, sáng tạo nhất thị trường. Nhưng để sáng tạo, bạn cần có tầm nhìn xa về những gì mà người dùng cần, người dùng muốn có. Không thỏa mãn được người dùng về kích cỡ cũng tức là bạn không thỏa mãn được mong muốn của người dùng.
Và người ta còn biết quy lỗi ấy cho ai đây, ngoài Cook?
Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh ngày mai, chắc chắn Cook sẽ bị bủa vây bởi hàng loạt câu hỏi hóc búa. Vì sao ông không chịu đa dạng hóa iPhone? Chuyện gì đã xảy ra với mảng kinh doanh iPad? Tại sao lại không có sản phẩm mới nào trước mùa thu? Và hơn tất thảy mọi câu hỏi, đã đến lúc phải thắc mắc vì sao tăng trưởng lại tụt về 0 thế này, cũng như Cook đã làm gì, sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng đó?
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo