Tìm đường vòng để đưa vốn vào nền kinh tế
Để phân tích vấn đề nợ xấu ngân hàng đang “tắc” ở đâu, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, trước hết cần hiểu rõ nợ xấu phát sinh từ đâu? Trong thời gian qua, ngân hàng cho DN vay khá nhiều, trong đó không ít DN vay với mục đích sản xuất kinh doanh nhưng không sử dụng đúng mục đích như khi làm hồ sơ vay vốn.
Nhiều DN vay để đầu tư bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán, ngoài ra cũng có DN vay sử dụng đúng với mục đích nhưng khi vay với kỳ hạn ngắn, khi sử dụng vốn lại sử dụng với mục đích dài hạn.
DN đầu tư vào bất động sản, chứng khoán trong khi kinh tế khó khăn, lãi suất thời gian qua lại khá cao, có thời điểm lên đến 20%/năm, khiến dòng vốn không quay trở lại được với ngân hàng, dần dần thành nợ khó đòi.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nguyên nhân của nợ xấu là do ngân hàng cho vay không kiểm soát, DN lại không sử dụng đúng mục đích của đồng vốn, lãi suất cao, những điều này không tạo ra môi trường hoạt động phù hợp cho DN dẫn đến những khoản nợ xấu.
Nợ xấu trong bất động sản là thành phần không nhỏ của nợ xấu nền kinh tế. Vậy ngân hàng có tác động như thế nào khiến nợ xấu bất động sản trở thành thực trạng buồn như hiện nay?
Do ngân hàng cho vay không có định hướng và không có kiểm soát nên một phần vốn vay ngân hàng ngắn hạn đã chuyển sang bất động sản, trong khi đó bất động sản là một lĩnh vực đầu tư trung và dài hạn. Nhà đầu tư đa phần lại tập trung vào phân khúc bất động sản cao cấp, không phù hợp với thị trường Việt Nam.
Nhà đầu tư mua nhà giá thấp sau đó bán lại cho nhiều lần nhà đầu cơ biến giá bất động sản ở giá cao, thị trường không hấp thụ được. Từ đó, cả nhà đầu tư lẫn nhà đầu cơ đều không có tiền trả ngân hàng. Để thực hiện những khoản vay tiếp theo, bất động sản lại tiếp tục được thế chấp cho ngân hàng.
Tuy nhiên ở Việt Nam, việc định giá bất động sản không chuyên nghiệp, có tính vụ lợi là nguyên nhân góp phần làm gia tăng khối nợ xấu bất động sản. Trong việc định giá này, những bất động sản trị giá 100 tỷ đồng được nhân viên thẩm định của ngân hàng “đôn” lên thành 300 tỷ đồng sau khi đã có những sự cấu kết để trục lợi, từ đó hình thành những khoản cho vay quá giá trị.
Có thể thấy, việc hình thành một khối nợ xấu bất động sản và nợ từ hoạt động của DN hiện nay là do tính chuyên nghiệp của ngân hàng chưa cao, cụ thể ở khâu thẩm định và tính pháp lý cũng như trách nhiệm luật pháp của những người liên quan đến một hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó năng lực quản lý rủi ro của các ngân hàng chưa cao và quan trọng là ở Việt Nam chưa thực hiện việc cho vay theo tiến độ. Khi thực hiện cho vay theo hình thức này, ngân hàng vừa giám sát được hoạt động của người vay, từ đó giảm mức độ rủi ro cho ngân hàng của mình và cho cả nền kinh tế.
Để xử lý nợ xấu, đến nay hệ thống ngân hàng mới chỉ sử dụng hai biện pháp cơ bản là giãn, hoãn hợp đồng vay cũ và dùng dự phòng rủi ro đối với các ngân hàng. Theo ông có còn biện pháp nào nữa không?
Giãn, hoãn hợp đồng vay cũ là tiếp thêm sức cho DN. Yêu cầu các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro là điều kiện tiên quyết để bắt đầu xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, khi nợ xấu là “cục máu đông” chặn sự lưu thông máu từ tim tới các bộ phận của cơ thể, không thể chờ phá xong “cục máu đông” đó mà cần phải tìm, tạo ra kênh lưu thông khác để nền kinh tế tiếp tục hoạt động.
Ông có thể nói cụ thể hơn về kênh lưu thông vốn khác?
Tôi chỉ lấy ví dụ trong một vấn đề nhỏ là lưu thông vốn cho DN xuất nhập khẩu (XNK). Hiện nay nhiều DN XNK vẫn có đơn hàng, vẫn có khả năng thực hiện đơn hàng và có nhiều khách hàng truyền thống cũng như tiềm năng nhưng chỉ thiếu vốn. Vậy tại sao ngân hàng không cho vay theo tín dụng thư. Tín dụng thư là một tài sản đảm bảo có tính an toàn.
Theo quan điểm của tôi, Chính phủ và NHNN cần phân bổ một nguồn tín dụng đặc biệt cho DN XK vay thông qua tín dụng thư. Mở rộng ra, NHNN có thể lập trung tâm điều phối XK theo cơ chế ủy thác XK cho DN. Trung tâm trực thuộc NHNN, có thể là công ty cổ phần, điều chuyển vốn của NHNN tới các DN XK có thông qua thế chấp tín dụng thư. Nguồn ngoại tệ thu về trực tiếp trở lại NHNN, bổ sung thêm nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế.
Để thực hiện điều này cũng như những mô hình sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế khác, Chính phủ cần ban hành những quy định pháp luật mới. Có thể nói khi cần thiết phải khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, để hỗ trợ cho những cách làm mới, sáng tạo chúng ta không ngại ngần gì việc ban hành những văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó bổ sung cho giải pháp hiện hành của NHNN giải quyết nợ xấu, trong khi tiếp tục bơm vốn cho nền kinh tế theo cách truyền thống, các ngân hàng có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới về việc cho vay theo tiến độ. Thực hiện theo cách thức cho vay này sẽ hạn chế được những khoản nợ xấu mới.
Xin cảm ơn ông!
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo