Tìm giải pháp xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao
(Thanh Niên) Ông Huỳnh Khánh Hiệp, PGĐ Sở Công thương TP.HCM, cho biết năm 2012, kim ngạnh xuất khẩu của nhóm sản phẩm công nghệ cao (CNC) trên địa bàn TP đạt 2,46 tỉ USD (riêng Công ty Intel tại Khu CNC TP đạt 1,9 tỉ USD), tăng 3 lần so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 11,4% kim ngạch xuất khẩu của TP (không tính dầu thô). Thị trường xuất khẩu sản phẩm CNC chủ yếu ở khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ. Sản phẩm CNC là nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao và đang trở thành 1 trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chính (trên 1 tỉ USD) của TP.HCM.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và các doanh nghiệp (DN) CNTT ít bị suy giảm nhất và vẫn tiếp tục tăng trưởng. Giá trị và thị trường xuất khẩu lại tăng mạnh. Năm 2011, doanh thu trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ CNTT đạt 13,66 tỉ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 12 tỉ USD (trên 90%), chủ yếu do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặt nhà máy sản xuất tại VN. Doanh thu tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2012 - 2013. Vì thế, mục tiêu của Khu CNC TP.HCM là tiến tới đạt kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 đạt gấp 6 lần so với năm 2010 và chiếm 10 - 15% giá trị xuất khẩu toàn TP.HCM.
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, để đột phá vào thị trường thế giới các DN phải tập trung xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia, tập trung vào giới thiệu tiềm năng, năng lực, nguồn nhân lực… Việc này DN không thể làm được mà phải là Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực thi chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực giỏi cho các DN xuất nhập khẩu CNTT. Đặc biệt là giải quyết thủ tục thông thoáng, dễ dàng cho các DN thuê các chuyên gia giỏi nước ngoài về đảm nhận các vị trí quan trọng như kiến trúc sư trưởng về sản phẩm dịch vụ, chuyên gia về thị trường…
End of content
Không có tin nào tiếp theo