Tìm lại lòng tin cho rau sạch: Bằng cách nào?
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 199 mô hình với diện tích trên 2.600 ha rau đã được chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi ở Việt Nam), trong đó có 74 mô hình rau VietGAP, diện tích 260 ha; 67 mô hình rau đã và đang định hướng sản xuất theo VietGAP, tổng diện tích trên 900 ha.
Mập mờ chất lượng
Theo TS Đào Thế Anh – Trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn đã ban hành một loạt quyết định, chỉ thị nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mô hình rau an toàn, bước đầu hình thành nên vùng sản xuất tập trung tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… và bản thân người tiêu dùng cũng đã đón nhận rau an toàn tích cực hơn.
Tuy nhiên, khi diện tích rau an toàn mở rộng lập tức nảy sinh bất cập trong khâu phân phối tiêu thụ. Cụ thể, người sản xuất rau an toàn hoặc theo quy trình VietGAP đều phải tuân thủ khắt khe các quy định đối với sản phẩm nên giá thành cao, khó cạnh tranh với rau bình thường.
Ngược lại, một bộ phận người tiêu dùng chấp nhận mua rau an toàn với giá cao nhưng không có cơ sở, tiêu chí uy tín nào đảm bảo rau họ mua là rau an toàn. Chính vì sự phân biệt giữa rau an toàn và rau thường khá “mong manh” nên người nội trợ tiếp tục quay lưng khiến việc mở rộng quy mô rau an toàn giậm chân tại chỗ.
Bằng cách nào ?
PGS TS Mai Quang Vinh - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiện chúng ta có cả rừng văn bản nhưng lý thuyết và thực tế khác xa rất nhiều. Điều nên làm hiện nay là phải lấy lại lòng tin người tiêu dùng bằng cách xử phạt nghiêm khắc đơn vị sai phạm.
"Vì bản thân tôi đã từng chứng kiến, có doanh nghiệp đầu ngành ở Hà Nội thuê xe ôm chở rau không rõ nguồn gốc đến rồi vô tư dán nhãn mác rau an toàn thì bao giờ mới chuyên nghiệp được"- ông Vinh bức xúc.
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, cần phải quản lý, kiểm soát quy trình sạch trong trồng rau an toàn một cách thường xuyên và đưa vào những văn bản pháp lý cụ thể. Khâu “đầu vào” phải gắn tên các hộ sản xuất, gánh trách nhiệm với từng luống rau cụ thể. Cùng với đó, phải đưa mã số, mã vạch vào trong từng bao bì rau an toàn, để khi xé ra thì mất niêm phong.
Bên cạnh đó, phải công khai danh sách từ đơn vị sản xuất, cung ứng đến từng siêu thị, chủ tiểu thương bán “rau sạch”. Theo đó, các đơn vị bán hàng này phải ký vào từng lượng rau được bán ra thị trường. Tất cả các khâu phải theo một quy trình khép kín, một chuỗi quản lý bằng chứng từ, có như vậy mới mang lại lòng tin cho người tiêu dùng.
Sự phân biệt giữa rau an toàn và rau thường khá “mong manh” nên người nội trợ quay lưng khiến việc mở rộng quy mô rau an toàn giậm chân tại chỗ. |
Bên cạnh đó, việc duyệt giá thành sản phẩm cần có cơ quan chức năng cầm trịch, tránh kiểu mua đứt bán đoạn hiện nay, nảy sinh rất nhiều vấn đề như lúc đắt thì người sản xuất bán ra ngoài, lúc rẻ thì lại bán vào siêu thị, hoặc rau không sơ chế, không đảm bảo chất lượng... Có như vậy, người sản xuất mới gắn bó lợi ích với doanh nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng suất, hạ thấp giá thành, đưa những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng- ông Phú phân tích.
“Hiến kế” cho mô hình rau an toàn, Phó TGĐ Hapro Mart, ông Trương Minh Thanh cũng có kiến nghị, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải được tiếp cận với chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế khóa. Các địa phương phải tổ chức làm điểm hoàn thiện một chuỗi sản xuất rau an toàn ở quy mô lớn liên kết từ người sản xuất đến người tiêu dùng nhằm giảm tối đa chi phí khâu trung gian. Tổ chức kết nối nhóm hộ sản xuất với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị cao cấp.
Chia sẻ với DĐDN một số chuyên gia cho rằng, Cục Trồng trọt đã chỉ định cho 17 đơn vị được chứng nhận VietGAP trên địa bàn cả nước và 10 đơn vị được chứng nhận trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Thế nhưng, việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho rau hiện nay vẫn mang tính đại khái qua loa, bên cạnh đó một số đơn vị năng lực yếu kém nên làm mất lòng tin người tiêu dùng cũng như sự đồng lòng tham gia của các doanh nghiệp trong quy trình sản xuất rau sạch.
Phải giải quyết từ gốc rễ vấn đề Là “đầu tàu” trong phát triển mô hình rau an toàn, năm 2010 Thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án phát triển rau an toàn đến năm 2015 với kinh phí hàng nghìn tỉ đồng. Măc dù bỏ ra nhiều tiền của nhưng do cơ chế chính sách hỗ trợ chưa thỏa đáng, chưa phù hợp nên tiến độ xây dựng vùng rau an toàn không được như mong muốn. Hiện Hà Nội có 13.000 ha rau, nhưng mới chỉ có trên 3.000 ha rau an toàn và 115 ha rau VietGAP đáp ứng 60% nhu cầu, còn lại 40% do các tỉnh lân cận cung ứng. Song sự liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh láng giềng còn rất lỏng lẻo, chủ yếu mang tính tự phát.
Giải thích vai trò mờ nhạt của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất rau an toàn, ông Trương Minh Thanh - Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro Mart), một đơn vị tiêu thụ rau an toàn tại Hà Nội cho hay, Hapro Mart hiện đã khai trương trên 30 cửa hàng thực phẩm rau an toàn và phấn đấu năm 2015 mở 350 cửa hàng phục vụ khu vực nội thành Hà Nội. Thế nhưng, vì giá thuê mặt bằng ở Hà Nội rất cao, nếu chỉ bán rau an toàn không phía doanh nghiệp sẽ “chết yểu”.
Mặt khác, giá bán rau an toàn cao hơn rau ở các chợ truyền thống khá nhiều nên vô hình trung tạo ra lợi thế cạnh tranh không cân bằng, cộng thêm việc Hapro Mart khi tiếp cận nguồn rau an toàn phải mất thêm công đoạn đánh giá thẩm định nên giá lại đội thêm lần nữa. Cũng theo ông Thanh, một điều quan trọng không kém là quy mô sản xuất rau an toàn hiện chưa đủ lớn để cung ứng cho hệ thống siêu thị (mỗi ngày Hapro Mart cần 10- 20 tấn rau củ quả song phải huy động cả chục đơn vị cung ứng mới đủ).
Đó là chưa kể tới việc Hapro Mart đang gặp thất thoát không nhỏ do các cơ sở sản xuất rau an toàn chưa có thiết bị đồng bộ như khâu sơ chế, kho bảo quản nên khi mua rau về Hapro Mart bị hao hụt tới 25%. Sau đó, phải có bàn tay của nhà nước buộc các đơn vị này tiêu thụ sản phẩm rau an toàn để tạo thành chuỗi giá trị điểm rồi nhân rộng. Cuối cùng, ông Thanh cho rằng, bài toán để các doanh nghiệp thuê đất trồng rau an toàn rồi tự chế biến tiêu thụ chỉ khắc phục tạm thời phần nào, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. |
Theo DĐDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm