Xã hội

Tin bão số 10: Sơ tán hàng chục nghìn dân Hà Tĩnh, Quảng Bình

Đã có 28.000 dân tại 13 huyện, thị xã tại tỉnh Hà Tĩnh cùng hơn 20.000 hộ dân tại tỉnh Quảng Bình được thông báo di dời tránh cơn bão số 10.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lúc 10h ngày 14/9, vị trí tâm bão Doksuri nằm trên khu vực biển quần đảo Hoàng Sa và chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình khoảng 600 km về phía Đông. Cường độ của bão mạnh cấp 11, tăng hai cấp so với một ngày trước.

Người dân Hà Tĩnh gia cố nhà cửa phòng tránh cơn bão số 10. Ảnh Zing news. 

Họp trực tuyến về ứng phó bão Doksuri, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, khoảng chiều tối 15/9 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với cấp 11, 12, giật tới cấp 15, theo tin tức trên báo Vnexpress. 

Theo ông Cường, bão sẽ gây mưa rất lớn, từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi có thể mưa đến 300 mm. Dự báo từ Quảng Ninh đến Quảng Bình nước biển dâng một mét, có nơi dâng tới 2-3 mét.

UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều 13/9 đã họp với các huyện, truyền thông điệp chống bão với tinh thần khẩn trương nhất và cấm biển từ chiều cùng ngày. 

Phó chủ tịch UNBD tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho hay, với bão cấp 12 thì tỉnh phải di dời hơn 28.000 dân tại 13 huyện, thị xã. “Chúng tôi đã điểm danh từng địa bàn, từng điểm có dân phải di dời. Các điểm như cửa sông, khu vực lũ quét với khoảng 10.000 dân sẽ được di dời trong hôm nay”, ông Sơn cho biết. 

Quảng Bình còn gần 300 tàu ngoài khơi và tất cả cam kết vào bờ trong ngày 14/9.  Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài xác định cần phải di dời hơn 20.000 hộ dân, nên đã phân công các lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách từng địa bàn.

 

“Khó khăn lớn nhất là những tàu công suất trên 300 CV không có chỗ neo đậu, kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ đầu tư”, ông Hoài nói.
"Chúng tôi luôn nhắc nhở các địa phương luôn luôn chủ động phòng chống theo phương châm '4 tại chỗ'. Tuy nhiên chúng tôi đang bế tắc trong việc bố trí tàu công suất lớn vào neo đậu tránh bão. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ Quảng Bình về trước mắt và lâu dài để xây dựng", đại diện tỉnh Quảng Bình cho biết trên báo Zing news.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lưu ý lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần lưu tâm, đảm bảo an toàn cho khách du lịch của hệ thống động Phong Nha - Kẻ Bàng, thuỷ điện Hố Hô, mực nước ở cửa sông Gianh. 

Chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các bộ ngành liên quan chủ động dự báo, tập trung đưa ra các phương án ứng phó, hạn chế cao nhất những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, bão Doksuri đang tăng tốc đổ bộ vào nước ta, cùng với thời điểm triều cường dâng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới các tuyến đê biển. Do vậy, các địa phương cần nâng cao cảnh giác, có các biện pháp hiệu quả.

"Cần tập trung đảm bảo an toàn các hoạt động trên biển, thông tin cho các tàu thuyền di dời khỏi khu vực nguy hiểm, neo đậu tại nơi an toàn. Mục tiêu chính là sơ tán triệt để người dân, không gây thiệt hại tính mạng. Kiên quyết không cho họ ở trên các lồng bè, chòi canh, trong các công trình kém chất lượng...", Phó thủ tướng nói.

 

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đi lại qua vùng tâm bão.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Vnexpress, Zing news)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo