Thị trường

Tín dụng tăng, tiền chảy về đâu?

Tín dụng tăng bất ngờ vào cuối năm là dấu hiệu đáng mừng nhưng một lượng tiền đó đổ về đâu?
Những con số bất ngờ
 
Tại Hội nghị toàn ngành ngân hàng tại TP.HCM, NHNN cho biết, tính đến hết ngày 27/12/2013, tín dụng đã tăng trên 11% so với cùng kỳ 2012.
 
Đây là điều khá bất ngờ, bởi theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó thì đến ngày 12/12/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ ở mức 8,83%. Còn tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương diễn ra sáng 24/12, NHNN cho hay tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 9,5% và dự kiến cuối năm là trên 10%.
 
Nếu tính từ tháng 11/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ ở mức 7,18% thì mức tăng tín dụng hai tháng cuối năm đạt khoảng 4% với một lượng tiền cung ra thị trường từ 60.000-70.000 tỷ đồng/tháng. Đây là mức tăng mà nhiều người khó hình dung trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, đầu ra của các DN yếu, tồn kho cao.
 
 
Một chuyên gia Ngân hàng Nhà nước nhận xét, các con số công bố trước đó vẫn chỉ là ước tính, đến cuối năm mới là chính xác. Hơn nữa, nhu cầu về tín dụng cuối năm thường tăng cao hơn so với các thời điểm khác, như sản xuất tăng mạnh để phục vụ nhu cầu Tết và lễ hội; nhiều cơ sở dịch vụ có nhu cầu vay vốn đầu tư; các đơn hàng xuất khẩu cũng nhiều hơn. Cùng với đó cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng, riêng trong quý IV/2013 tại một số ngân hàng đã tăng từ 5-8 lần so với trước... Tất cả những yếu tố này cộng lại đã thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.
 
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế vẫn nghi ngờ con số này. Theo chuyên gia ngân hàng Phạm Nam Kim, không loại trừ nhu cầu tín dụng cuối năm tăng, nhưng có lẽ các ngân hàng ồ ạt đẩy tín dụng lên cao nhằm mục đích hoàn thành chỉ tiêu và lấy định mức phân bổ cho năm sau. Để làm điều này không khó. Chỉ cần đưa các hợp đồng tín dụng mới ký kết, chưa giải ngân, thậm chí mới chỉ là cam kết giữa ngân hàng với khách hàng vào báo cáo là con số tăng trưởng đã thay đổi.
 
Các chuyên gia còn cho rằng, ngân hàng có tới 4 cấp có thể thay đổi con số tăng trưởng tín dụng. Cấp thứ nhất là cán bộ tín dụng, chỉ cần cho vay đảo nợ cũng làm thay đổi con số tín dụng. Tiếp tới là các phòng giao dịch, chi nhánh và cao hơn nữa là các hội sở chính cũng có thể tìm cách xử lý theo hướng có lợi. Cuối cùng là cấp phát ngôn có thể điều chỉnh để có con số tăng trưởng tín dụng "đẹp".
 
Ham tăng tín dụng làm gì?
 
Theo các chuyên gia, tín dụng tăng là dấu hiệu mừng, nhưng khó có thể khẳng định chảy vào sản xuất. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, 11 tháng năm 2013, tốc độ tăng trưởng của cấu phần tín dụng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ rất thấp, trong khi tín dụng cho DN vừa và nhỏ còn bị âm.
 
Ngân hàng không thể kiểm soát được đường đi cùng vốn vay tiêu dùng (ảnh minh họa)
 
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, so với cùng kỳ các năm trước, nhu cầu vốn của cộng đồng DN thấp hơn rất nhiều. Bản thân các ngân hàng khi duyệt hồ sơ vay vốn cũng rất thận trọng, không dám hạ chuẩn cho vay để không làm phát sinh nợ xấu.
 
Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, trong khối các DN nhỏ và vừa hiện nay, chỉ có khoảng 15% số DN vay được nguồn vốn ngân hàng. Những DN muốn được vay vốn, phải đáp ứng đủ điều kiện mà ngân hàng đưa ra.
 
Các chuyên gia nhận xét, trên thị trường tín dụng đang có hiện tượng cho vay chéo với các DN sân sau. Ngân hàng A cho các DN sân sau của ngân hàng B vay với lãi suất thấp và ngược lại, ngân hàng B lại cho các DN sân sau của ngân hàng A vay với lãi suất thấp tương tự nhằm giúp nhau mua lại bất động sản giá rẻ hoặc để đảo nợ các dự án bất động sản đến kỳ mà không thanh toán được, chứ không đi vào sản xuất.
 
Bên cạnh đó, với cho vay tiêu dùng, lẽ thông thường, tín dụng tiêu dùng tăng sẽ kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi. Song có không ít băn khoăn, có hiện tượng một lượng vốn không nhỏ từ tín dụng tiêu dùng đang được sử dụng cho các mục đích khác?
 
Giám đốc khối bán lẻ của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, lượng hồ sơ vay tiêu dùng của ngân hàng đã tăng gấp 8 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng không thể kiểm soát được đường đi cùng vốn vay tiêu dùng.
 
DN vướng nợ xấu, thiếu tài sản thế chấp có thể “lách” quy định này, bằng cách chuyển sang vay tiêu dùng cá nhân dạng tín chấp, sau đó sử dụng tiền vay để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ “tín dụng đen”. Nếu số tiền này được dùng để trả nợ “tín dụng đen”, thì nợ xấu rõ ràng sẽ là nguy cơ lớn với ngân hàng. Còn nếu để đảo nợ, ngân hàng sẽ đẹp sổ sách trong một thời gian nhất định, song số nợ vẫn còn nguyên, thậm chí có nguy cơ phình to hơn.
 
Các chuyên gia kinh tế có lý do để quan ngại về chất lượng tín dụng giảm bởi tăng quá nhanh trong thời gian ngắn. Những con số này chưa chắc đã phản ánh trung thực nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo