Tín dụng tăng trưởng 1,35%: Vốn chạy vào đâu?
Phục hồi mạnh trong tháng 3
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, nếu như tháng 1 và tháng 2, tín dụng vẫn tăng trưởng âm thì đến cuối tháng 3/2014, tín dụng đã tăng trưởng dương 0,01%.
Đây là dấu hiệu đáng mừng, vì dù chưa tăng so với cuối năm 2013, nhưng tín dụng đã lên khỏi mặt đất.
Cụ thể, số liệu của Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy nếu như tín dụng tháng 1 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng Hai thì đến tháng tháng Ba đã tăng khoảng 1,35% so với tháng Hai, phù hợp với xu hướng của những năm trước.
Tại Tp.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM khẳng định, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố ước đạt 0,12%.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, đà tăng này rất tốt. Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là 12-14% không có gì đáng ngại.
Theo tìm hiểu của PV, tại nhiều ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu trở lại. Tại một số ngân hàng như TPBank, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đạt tới trên 10%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, hiện ngân hàng cho vay chủ yếu dựa vào các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, không còn quá chú trọng đến tài sản đảm bảo.
Vốn vào trái phiếu hay sản xuất?
Theo lý giải của NHNN, sức cầu của nền kinh tế trong quý I/2014 thấp khiến tín dụng chưa thể tăng nhanh. Tuy nhiên, tín dụng đã có những dấu hiệu tích cực theo hướng dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Dù vậy, cũng theo thống kê của NHNN, ngoại trừ lĩnh vực xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên khác, đặc biệt là nông nghiệp, DN vừa và nhỏ tín dụng vẫn hầu như không tăng, thậm chí còn giảm. Cụ thể, đến cuối tháng Hai, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 0,15% so với cuối năm 2013. Riêng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn giảm so với cuối năm 2013. Theo lý giải của NHNN, lý do giảm là bởi sức hấp thụ vốn của khối doanh nghiệp này thấp, nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, nên không đủ điều kiện vay vốn.
Theo một số các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng tín dụng trong quý I phải nhờ đến vai trò của trái phiếu chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu chính phủ phát hành (số liệu đến 28/3/2014, tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng). Số dư trái phiếu chính phủ do các tổ chức tín dụng nắm giữ tăng thêm trong ba tháng đầu năm (bằng số mua trái phiếu chính phủ trừ đi số trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán) là khoảng 43.000 tỷ, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện các tổ chức tín dụng chưa thể mở rộng tín dụng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh thì việc các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản.
Theo các chuyên gia kinh tế, theo quy luật, quý I hàng năm tín dụng tăng trưởng chậm, vốn dư thừa. Do đó, việc ngân hàng tăng mua trái TPCP không có gì đáng ngại. Đây cũng là thời điểm “vàng” để Nhà nước bán trái phiếu.
"Tuy nhiên, nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong quý II, quý III thì rất đáng lo. Bởi khi đó, trái phiếu sẽ chèn lấn tín dụng, vốn sẽ không chảy vào được sản xuất. Việc ngân hàng đổ tiền vào mua trái phiếu còn khiến lãi suất cho vay khó giảm thêm như mục tiêu của NHNN”, một chuyên gia kinh tế cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo