Tín dụng vào giai đoạn "đại nhảy vọt"
Không nằm ngoài một số dự đoán, tăng trưởng tín dụng vừa có được mức tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp với sự hồi phục cho vay bất ngờ từ phía nhiều NHTM.
Mùa cao điểm
Số liệu tổng hợp của Vụ Tín dụng (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tiếp tục có được mức tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp với con số 6,21%, tương đương mức tăng gần 1% so với con số 5,3% tính đến cuối tháng 7 vừa qua.
Đáng lưu ý, đây cũng là tháng có mức tăng mạnh thứ hai, chỉ đứng sau mức tăng kỷ lục hơn 1,5% của tháng 6 (so với tháng 5) và cao hơn đáng kể so với con số 0,8% của tháng 7. Sự hồi phục mạnh của hoạt động cho vay tại một số ngân hàng (NH) thuộc nhóm dẫn đầu cùng với mức tăng mạnh đến ngạc nhiên của nhiều nhà băng tạo nên con số ấn tượng của tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống trong tháng 8.
Có thể lấy con số tăng trưởng tín dụng của Vietcombank làm một minh chứng rõ rệt nhất. Hồi phục từ con số âm (-) đến 1,47% vào cuối tháng 6.2013, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến cuối tháng 8 ồ ạt leo lên mức dương 2,8%, so với thời điểm cuối năm 2012.
Sự cải thiện gây nhiều bất ngờ này, theo lý giải của TGĐ VCB – ông Nghiêm Xuân Thành, chủ yếu do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) trong hai tháng 7-8, đặc biệt trong tháng 8 vừa qua. Một yếu tố quan trọng khác có tác động mạnh tới hoạt động cho vay, theo ông Thành, là do NH tung ra các chương trình cho vay cạnh tranh lãi suất mà theo đó, các DN tốt có thể vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn với lãi suất dưới 5,5%.
Tương tự, một cán bộ cấp cao của BIDV mới đây cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng tại nhà băng này đạt con số 10,4% đến hết tháng 8. Đây không phải là con số quá bất ngờ bởi theo báo cáo tài chính tính đến hết tháng 6, BIDV đã đạt tăng trưởng tín dụng tới 7,3%.
Điều này giải thích vì sao, trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm mạnh khiến chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào bị co hẹp, thu nhập lãi từ cho vay khách hàng của BIDV đến cuối tháng 6 vẫn tăng tới 151,4% so cùng kỳ và đạt 18.318,1 tỉ đồng.
Ở một diễn biến khác, hàng loạt NHTM cổ phần (CP) mới đây vừa được NHNN chấp thuận nới “room” tín dụng tăng gấp nhiều lần so với chỉ tiêu đầu năm. Trong số này, đáng chú ý có NamABank được nới tăng trưởng tín dụng từ 9% lên mức 30%, Sacombank cũng được chấp thuận tăng tín dụng lên 20% từ con số 8%.
Có thông tin cho hay, VIB mới đây cũng xin phép NHNN được nới room tín dụng lên 20%. Động thái xin nới room tín dụng cũng như mức tăng mạnh ở một số nhà băng không phản ánh chung tình hình cho vay thực tế tại mỗi nhà băng. Song mức tăng mạnh trong hai tháng qua và con số 6,21% sau 8 tháng cho thấy, tăng trưởng tín dụng dường như đã vượt qua được giai đoạn trì trệ và chính thức bước vào mùa cao điểm cuối năm.
Nút thắt cầu vay vốn
Ở một khía cạnh nhất định, các mức tăng nói trên có thể cho thấy, nhận định về yếu tố mùa vụ là khá chính xác trong tốc độ tăng tín dụng. Bản thân người đứng đầu Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) – bà Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận rằng, tín dụng trong những năm gần đây tăng trưởng cao hơn vào những tháng cuối năm do nhu cầu vay vốn sản xuất của DN, vay tiêu dùng của người dân thường tăng mạnh.
Dựa theo quy luật này và con số tăng trưởng tín dụng hiện nay, lãnh đạo vụ chức năng của NHNN tin rằng, nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng 12% theo định hướng đề ra từ đầu năm sẽ trở thành hiện thực.
Song đặt trong bối cảnh hiện nay, tốc độ tăng tín dụng dần dần hồi phục cho thấy nhu cầu tiếp cận vốn vay từ phía DN đang có nhiều cải thiện do khả năng tiêu thụ hàng hóa ấm lên cùng với sự hồi phục của tổng cầu chung.
Bên cạnh đó, dù vẫn giữ thái độ thận trọng nhằm tránh rủi ro nợ xấu tăng cao, chính sách cho vay của nhiều NH cũng trở nên cởi mở hơn, đặc biệt trong hoạt động cho vay tiêu dùng với mức lãi suất siêu thấp xuống mức kỷ lục 5,99%. Chưa kể, nợ xấu vốn là một trong những rào cản lớn nhất cũng đang có những tín hiệu được giải quyết tích cực với việc NHNN ban hành một loạt cơ chế, quy định nhằm sớm đưa VAMC vào hoạt động xử lý nợ xấu trong thực tế.
Khi đưa ra các nhận định, lãnh đạo một nhà băng tin rằng, tín dụng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm đặc biệt do những biện pháp hỗ trợ và khuyến khích mở rộng tín dụng của NHNN, nợ xấu dần được giải quyết sau khi VAMC đi vào hoạt động và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được đẩy mạnh để đáp ứng các đơn đặt hàng và cũng như sức cầu thường tăng về cuối năm.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Cột tin quảng cáo